10.2.08

Hoài niệm hoa mai

Nguyễn Lâm Cúc
Nguồn: MAIVIET (http://blog.360.yahoo.com/nguyenthithuy-harc)

Vào những ngày giữa tháng chạp, ba tôi bắc chiếc thang lên cành mai ẻo lả, cành mai oặt vẹo đi một tí, nhưng cái thang đã được tựa thật khéo léo vào một đám cành đan xen, đứng vững. Ba tôi trèo từng bước nhẹ nhàng như bước loài mèo. Nhẩn nha từng chút một, ba tôi hái lá mai một cách kiên trì như đang thưởng thức một thú chơi. Lùa tay vào cuống chiếc lá, tách khẽ ngay khớp, chiếc lá rời cành nhẹ nhàng, cách làm này tránh cho cành mai không bị trầy xước,nếu lỡ có một vết xước, ba tôi xuýt xoa y hệt như vừa làm chúng đau, khiến tôi đứng nhìn ông làm cũng phải phì cười. “Cây cỏ cũng có hồn, có tiếng nói đó con, chỉ là do ta không nghe được mà thôi”. Ba tôi nói vậy. Đám lá rời khỏi tay ông, bay lảo đảo trong gió, đáp nhẹ nhàng xuống mặt sân. Chiều tối, cây mai chỉ còn lại những chiếc cành nho nhỏ trơ trụi, chỉa lên nền trời đang sẫm tối.

Có lẽ khi ba tôi hái lá mai đã làm cho cây mai thức giấc, vì sau khi hái lá vài ba hôm, những nụ cái với lớp vỏ cứng ngủ im lìm trên cành suốt bao ngày tháng, bỗng một sớm tinh mơ cựa mình, đầu nụ, hé lộ một chút nõn xanh, rồi chúng ùa ra từng bầy, bám chi chít trên cành. Lúc này, cành mai đã đẹp lắm! Từng chụm nụ xanh ngọc bích hoàn mỹ nhón gót đứng cạnh nhau kiêu hãnh, điệu đàng. Rồi một hôm, khi trong nhà thoảng mùi hương trầm ngan ngát từ bát nhang cúng Tất niên, đầu cành mai tự bao giờ rung rung những cánh vàng, cái màu vàng mới tinh khôi, mới mướt mát làm sao. Thật khẽ, thật nhẹ, từ những bông hoa ấy, e ấp một làn hương. Đó, thông điệp của mùa xuân gửi cho gia đình tôi.

Ở Đức Linh, hầu như nhà nào cũng có một vài cây mai, có nhà có cả một vườn, còn những hàng mai cạnh bờ rào thì nhiều vô khối. Ngày xưa…Đức Linh còn có cả những rừng mai, những địa danh ngày nay còn được nhắc tới như Láng Mai, Thác Mai là những nơi cây mai từng mọc dày đặc, mùa xuân về hoa nở vàng rợp cả một miền. Ngày ấy, người Đức Linh mấy ai trồng mai, trên rừng nhiều như thế, muốn bao nhiêu chẳng được, cứ lên rừng mà chặt, việc gì mà phải trồng. Nhà tôi, năm nào cũng có một bình mai, cũng lấy từ rừng. Ba tôi nhờ người ta lấy cái vỏ đạn đại bác, làm thành một cái bình thật đẹp, có năm trong nhà tôi, tết duy nhất chỉ là cành mai vàng ấy mà thôi.

Vào khoảng 19, hay 20 tháng chạp, mọi người lên rừng chặt mai, hầu hết là đám thanh niên. Tuy nhiên, mai rừng không đẹp vì cành mảnh, nụ bé. Mai mọc rãi rác ở ven các dòng suối mới khỏe, nụ cái nhiều và to. Hai anh tôi đi mất một buổi, vác về từng ôm lớn rồi hì hục thui thui, đốt đốt. Năm ấy, sau khi bưng ngọn đèn dầu ra mồi nhóm đống lửa thui mai ở sau hè xong, anh tôi bảo thằng Út bưng cây đèn vô bếp cất. Út vì nóng lòng ra nhìn anh làm, vì anh mang mai về đồng nghĩa là tết đã đến. Lòng nó náo nức quá! Nó chạy, chân vấp vào ngạch cửa bếp, ngọn đèn dầu văng hắt vô mái tranh vách bếp. Ngọn lửa táp nhanh. Gió từ đâu kéo về thổi rần rật, trong nháy mắt ngọn lửa đã bốc cao với cột khói đen ngùn ngụt. Anh em tôi sửng sờ đến cứng cả người, há hốc miệng ra nhìn ngôi nhà thân yêu rụi tan trong đám lửa bốc cao mút qua khỏi cả ngọn cây vú sữa. Làng xóm chạy rần rần, tiếng la, tiếng kêu cứu vang dậy từ đầu thôn đến cuối xóm.

Năm ấy, căn nhà tranh mới do cả làng xúm lại giúp cất lên cho gia đình tôi cũng xong vào chiều 29 tết. Chúng tôi ăn tết trong mái tranh thơm phức mùi nắng, mùi cỏ với một bình hoa mai. Năm sau, hai anh tôi đứng nhìn thanh niên trong xóm đi chặt mai với ánh mắt thèm thuồng, ba tôi từ trong nhà bước ra, ấn vào tay hai anh cây rựa nhỏ rồi nói : “Đi sớm, có thời gian lựa cái cành đẹp đẹp con ạ” Anh tôi, lao chiếc xe đạp ra khỏi nhà như ngựa phi.

Tôi đã quá quen thuộc cái cảnh cả nhà tôi thức chờ nghe tiếng pháo giao thừa và ngắm những bông mai đầu tiên nở trong cái đêm trừ tịch. Nửa đêm, ba tôi bày một bàn hương đèn ra giữa sân, không gian thật tĩnh lặng. Ba tôi lầm bầm cầu khẩn cho chúng tôi được mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Lúc này, trong nhà tôi đèn sáng choang, tôi đến bên cành mai nhìn trên đầu những chiếc nụ xanh nhô ra một đoạn màu vàng, sau đó một lúc, một cánh mai vàng dịu dàng hé mở bước ra khỏi chiếc vỏ lụa xanh, mang theo làn hương thoang thoảng.

Cho đến tận bây giờ, đêm giao thừa tôi vẫn còn thức nhìn mai nở, vẫn ngây ngất với niềm hạnh phúc được thấy sự kỳ diệu của một bông hoa trong giây phút trở mình bung cánh. Đã qua bao mùa hoa mai tàn nở rồi? Đã có quá nhiều đổi thay, những thay đổi ấy rõ ràng được là thêm ra về con số, về vật chất nhưng sao lòng cứ hao khuyết. Cứ mỗi khi nhìn bông mai vàng tươi tinh khôi trên cành, lòng tôi lại nao nao xao xuyến, cái gì như nhớ mong, như luyến tiếc lay động trong lòng. Và nhất là khi nhìn những cánh hoa bời bời chao rụng, vàng mỏng manh, cái vàng như được dát từ nắng mà thành, nằm lớp lớp trên mặt đất sao tiếc quá! Cái đẹp vẫn phải mất ư? Đó cũng là quy luật ư? Vẫn biết hoa tàn để nhú ra nụ quả, mà lòng buâng khuâng khôn nguôi ngậm ngùi…

Cây mai của nhà tôi được ba tôi trồng từ cái ngày gia đình tôi đến ở vùng đất này. Nó là cành mai đầu tiên chặt từ rừng về chơi tết. Qua tết, ba tôi đem cành dâm xuống một bên giếng rồi chăm tưới thế là nó sống luôn. Sau này, ba tôi bứng ra trồng ở cuối góc sân bên phải phía trước nhà. Trước khi ba tôi mất, cả gia đình tôi họp lại để nghe ba tôi phân chia tài sản cho các con. Tất cả chúng tôi không ai lấy gì. Nhà cửa, ruộng vườn đồng ý để cho cậu Út tất. “ Cái nhà muốn ở thì ở, muốn cho con cháu ở thì cho, không ở thì để làm nơi thờ tự. Tuyệt đối không được bán. Thửa đất cạnh nhà cho tùy ý, khi túng thiếu có thể bán đi mà xoay sở làm ăn. Nhưng riêng những cây mai, ba muốn cho Cúc. Cúc nó thích hoa mai, ba cho nó, để nó tự do muốn đến chặt cành mai về chơi lúc nào thì làm khi ấy, không phải xin ai nữa. Tính khí của nó tao biết, chúng mày- Ba tôi chỉ vào vợ chồng Út- nói năng bổ bã như thế nó tự ái, nó lại không đếm xỉa đâu.” Vài năm sau thì ba tôi mất. Tuy nhiên, từ khi ba tôi cho những cây mai, còn viết giấy cẩn thận bảo các anh và vợ chồng cậu Út cùng ký vào rồi giao cho tôi giữ. Tôi vẫn chưa một lần nào về chặt cành mai, tôi không nỡ. Có năm, tôi bấm bụng đi mua cành mai giá cắt cổ về chơi mấy ngày tết nhưng kiên quyết giữ những cây mai của ba vẹn toàn.

Mai già, mai lão bỗng có giá. Người thành phố về lùng sục khắp nơi, đào đào, bới bới, chuyên chuyên, chở chở. Làng quê mất dần những cây mai đẹp dáng, đẹp hoa, mất cả những kỷ niệm khi giá những gốc mai trở thành một gia tài, nhất là những cây mai từ bốn chục, năm chục năm tuổi. Những cây mai của tôi nằm trong số ấy. Một ngày kia, tôi về thăm ngôi nhà cũ, thăm những cây mai đã gắn với tôi tình thâm và quá nhiều kỷ niệm… Hỡi ôi hàng mai đã biến mất! Chỗ ấy chỉ còn là một khoảng trống với những bụi cỏ dại. Nghe đâu, cậu Út bán vài triệu từ lâu rồi.

Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn chưa hề hỏi cậu Út vì sao bán hàng cây mai. Tôi sợ lời phân bua và cái kết quả mà tôi được nghe. Thôi, cứ để hàng cây sống trong hoài niệm của tôi với những Láng Mai, Thác Mai vì sau này, rừng mỗi ngày một lùi xa. Láng Mai quê tôi biến mất, Thác Mai chỉ còn trơ thác, và ngay cả việc vì sao người ta lại gọi thác ấy là Thác Mai số người biết cũng ít dần đi thì cây mai mới thật sự về ở trong vườn của mỗi nhà. Dù vậy, hoa mai cũng là một nét đẹp riêng của người dân Đức Linh.

Nhà thơ, nhạc sĩ Đào Hữu Thức đến Đức Linh thăm chơi vào một mùa xuân ngạc nhiên thốt lên: “Trời ơi, cái quán nhậu thịt chó tuềnh toàng mà cũng chơi vườn mai hoành tráng luôn! Đi đến đâu, bất cứ nhà hay ngõ đều gặp hoa mai. Sướng thật.” Bài thơ Mai Đức Linh cũng được ông viết trong thời gian ấy với những câu:

“…Lạ thật, một cành cây già cỗi
Tưởng như đã héo, đã khô giòn
Bỗng nức ra được chồi xanh biếc
Và nở lung linh sắc hoa vàng…”

Nguyễn Lâm Cúc đăng lần đầu ngày 6/1/2007



Tags: maiviethoainiemhoamai

Đêm qua sân trước một nhành mai




Hoàng Kim

Thiền sư Mãn Giác viết bài kệ “Cáo tật thị chúng” khi Người 45 tuổi, sau đó Người đã an nhiên kiết già thị tịch. Bài thơ kiệt tác vỏn vẹn chỉ có sáu câu, ba mươi tư chữ. Đối diện với cái chết, thiền sư ung dung, tự tại, thấu suốt lẽ sinh tử: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai.

Lời thơ thanh thoát, giản dị một cách lạ lùng! Thực tế cuộc sống đã được hiểu đầy đủ và rõ ràng. Bản tính cuộc sống là hạnh phúc và đau khổ, vui vẻ và phiền muộn, sự thiếu hoàn thiện và luôn vô thường. Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười/ trước mặt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi. Đó là qui luật muôn đời, hoa có tàn có nở, người có diệt có sinh. Hạnh phúc cuộc sống là phong thái luôn vui vẻ và sung sướng, thanh thản và thung dung, không lo âu, không phiền muộn. Sống với một tinh thần dịu hiền và một trái tim nhẹ nhõm.

Tình yêu cuộc sống thể hiện trong ý xuân và trật tự các câu thơ.“Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười” ẩn chứa triết lý sâu sắc hơn là “Xuân đến trăm hoa cười, xuân đi trăm hoa rụng/”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) trong bài thơ nôm “Chín mươi” có câu: “Chín mươi thì kể xuân đà muộn/ Xuân ấy qua thì xuân khác còn”. Tăng Quốc Phiên chống quân Thái Bình Thiên Quốc “càng đánh càng thua” nhưng trong bản tấu chương gửi vua thì ông đã quyết ý đổi lại là “càng thua càng đánh". Việc “đánh thua” thì vẫn vậy nhưng ý tứ của câu sau mạnh hơn hẵn câu trước.

Hoa mai là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn, vui tươi và trường thọ. Cành mai ẩn tàng thông điệp của mùa xuân. Hoa mai vừa có cốt cách, vừa đẹp thanh nhã, vừa có hương thơm và nở sớm nhất trong các loại hoa xuân. Vì vậy, hoa mai đã được chọn để biểu hiện cho cốt cách thanh cao của người hiền. Hoa mai, hoa đào, hoa lê, hoa mận có nhiều loài với vùng phân bố rộng lớn ở nhiều nước châu Á nhưng chỉ riêng mai vàng là đặc sản của Việt Nam, trong khi mai trắng và hoa đào là phổ biến tại Trung Quốc, Nhật bản, Bắc Triều tiên, Hàn Quốc và các nước Trung Á. Một cành mai không chỉ là một cành mai mà là một cành xuân. Hoa mai và mùa xuân. Cành mai ẩn tàng sự trường cửu của tình yêu cuộc sống.


Bài đã đăng lần đầu tại http://dayvahoc.blogtiengviet.net/, bài đã được chỉnh sửa và đăng lần hai tại http://blog.360.yahoo.com/nguyenthithuy_harc/(ảnh hoa mai nhiều cánh, vườn nhà HK).

Hoa mai trong thơ Việt Nam cổ điển

Trần Ngọc Tính
(Báo Giác Ngộ)

Hoa mai trong thơ cổ nước ta và nhiều quốc gia khác ở Á Đông, chính là hoa mai màu trắng. Như giống mai mù u, tên khoa học là Ochrocarpus siamensis thuộc họ Guttiferae (họ măng cụt), hiện còn một cây trong chùa Gò ở Phú Lâm (Sài Gòn). Cây mai này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Minh Hương Trịnh Hoài Đức (1725-1825) và các cây bút cùng thời viết nên tập "Mộng mai đình". Cây mai này cũng là biểu tượng của Thi xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi "vang bóng một thời" ở Nam Bộ vào thế kỷ trước : Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông,...

Có lẽ, nụ mai nở sớm nhất trong thơ ca Việt Nam lại là đóa hoa nở... muộn. Ấy là cành mai cuối mùa của một đại sư thuộc phái Vô Ngôn Thông: đại sư Mãn Giác (1052-1096). Nguyên văn được chép trong "Thiền Uyển Tập Anh" như sau :

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Tạm dịch:
Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân về, trăm hoa tươi
Trước mắt, việc đời ruổi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng cả
Đêm qua sân trước nở nhành mai.

Một thiền sư khác sống sau đó hơn hai thế kỷ có pháp hiệu Huyền Quang (1254-1334), là vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị "ngự sử đài" - chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa:

Ngự sử mai hai hàng chầu chắp
Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh

Ngự sử mai, trượng phu tùng và quân tử trúc hợp thành "tam ích hữu" (3 người bạn có ích). Khái niệm này xuất phát từ thiền "Quý thị" trong sách "Luận ngữ". Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn (Bạn có ích gồm 3 hạng : ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều). Sách "Nguyệt lệnh quảng nghĩa" gọi hình tượng ước lệ bộ ba tùng - trúc - mai là Đông thiên tam hữu, Tuế hàn tam hữu hoặc Đông xuân tam hữu. Đây là đề tài có vị trí đặc biệt trong thơ ca cổ điền của Á Đông nói chung, của nước ta nói riêng.

Thi hào Nguyễn Trãi (ngôi sao sáng chiếu rọi từ bầu trời văn học thế kỷ XV) thường xuyên khai thác đề tài Đông thiên tam hữu. Riêng mai chiếm tần số xuất hiện khá cao trong các sáng tác của Ức Trai. Đọc 21 bài "Ngôn chí", đã thấy 8 bài đề cập đến mai với những câu "tuyện diệu" như :

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
(Ngôn chí 2)

Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
(Ngôn chí 15)

Đối với mai, Nguyễn Trãi hết sức ưu ái. Tại sao? Qua bài thơ chữ hán "Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên", nhà thơ đã giải thích : Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà? Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết (Yêu mai, yêu tuyết vì đâu? Vì tuyết trắng, mai thơm và trong sạch). Trong phần thơ "Hoa mộc môn", ngoài các bài "Mai" và "Lão mai", bài thất ngôn pha lục ngôn viết về mai làm theo thể ô thước kiều phối hợp liên hoàn của Nguyễn Trãi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ quốc âm thời ấy:

Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
Ưa mi vì tiết sạch hơn người
Gác đông ắt đã từng làm khách
Há những Bô tiên kết bạn chơi?

Tiên Bô kết đã bấy thu chầy
Ngâm ngợi nhường bằng mếch trọng thay
Lại có một cành ngoài ấy lẻ
Bóng thưa ánh nước động người vay!

Bóng thưa ánh nước động người vay
Lịm đưa hương, một nguyệt hay
Huống lại bảng xuân sơ chiếm được
So tam hữu chẳng bằng mày!

So với tùng và trúc, mai giống ở khí tiết. Nhưng mai còn có ưu điểm mà hai bạn không sao có được: sắc hương.

Sắc, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dù ngồi gần hay đứng xa, kể cả qua "bóng thưa ánh nước" chập chờn : Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên (Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng - thơ Trần Quang Khải). Song, hương thì "khách tục" làm sao nhận ra. Chỉ tri âm, tri kỷ mới đủ khả năng tương thức. Đó là vầng trăng. Lịm đưa hương, một nguyệt hay: câu thơ lục ngôn thầm kín đáo quá, kín đáo như hương mai vậy.

So với nhiều hoa khác, mai lại là loài "anh hoa phát tiết" sớm nhất, ngay từ tiết lập xuân còn nhiều giá lạnh. Do đó cổ nhân đã phong tặng mai danh hiệu Bách hoa khôi - ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.

Nhắc đến Bách hoa khôi, tôi chợt nhớ giai thoại liên quan đến một bài tuyệt bút về mai gắn liền với tên tuổi của nhà ái quốc lừng danh : Phan Bội Châu. Năm đó (1883), Phan mới 16 tuổi. Sau khi thi hương, bài được chấm ưu hạng, chàng trai quên Nam Đàn ấy phải dự kỳ sát hạch cùng 6 sĩ tử khác để xếp vị thứ cao thấp tại phủ Anh Sơn. Đích thân quan phủ là Hoàng Giáp Phạm Như Xương trực tiếp ngồi ghế chánh chủ khảo. Các thí sinh nhận đề và cắm cúi làm bài hồi lâu thì Phan mới đến. Quan phủ hơi bực mình nhưng vẫn cho Phan vào và buộc chàng làm bài với một đề thi riêng. Đang tiết cuối xuân, trông thấy cây mai bên hiên chỉ còn lưa thưa dăm đóa, quan Hoàng Giáp bèn ra đề : "Hoa khai bất cập xuân" (Hoa nở không kịp mùa xuân). Đề thi ngụ ý phê bình cái tội trễ tràng của chàng trai nổi tiếng thông minh. Phan Bội Châu phóng bút ngay :

Đông hoàn tằng bước nhãn
Dĩ hứa bách hoa khôi
Chỉ vị khiêm khiêm ý
Phiên giao tiệm tiệm khai...

Tạm dịch :
Nhờ chúa Xuân ưu ái
Xếp đứng đầu trăm hoa
Chỉ vì lòng khiêm tốn
Nên hẵng nở tà tà...

Liếc mắt qua, Hoàng Giáp Phạm Như Xương sững sờ, không cho Phan Bội Châu làm bài nữa. Ông bảo: "Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi".

Nói đến mai, Nguyễn Trãi và các nhà thơ khác thuở trước thường nhắc đến "tiên Bô", "lão Bô". Nhân vật này là ai ? Ấy là Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), một hiền sĩ ở Cô Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc) vào đời Tống. Họ Lâm không vợ con, chỉ thích trồng hoa mai và nuôi chim hạc, nên người đời nói về ông : "Cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con". Lâm Bô có để lại bài thơ "Mai hoa" được nhiều thế hệ truyền tụng. Đây là 4 câu đầu :

Chúng phương hoa lạc động huyên nghiêm
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiên
Ám hương phù đông nguyệt hoàng hôn...

Nghĩa : Các hoa rụng hết, chỉ còn hoa mai tươi đẹp dưới bóng nắng ; chiếm cả vẻ đẹp của mảnh vườn con ; bóng cành thưa nằm ngang giữa làn nước trong nơi cạn ; hương thoảng đưa nhè nhẹ dưới ánh trăng buổi hoàng hôn...

Cặp thực của bài thơ trên lại được cô đúc thành một câu : Ánh hương phù động, ảnh hoành tà. Giản Chi dịch : Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang.

Nhiều thi nhân khen rằng chỉ 7 chữ mà lột tả đầy đủ vẻ đẹp của hoa mai, không thể thêm bớt được một chữ nào. Kiệm lời, chắt ý đến thế thì vượt qua cả thơ tứ tuyệt Trung Hoa lẫn thơ Haiku Nhật Bản. Gọi đây là thể gì nhỉ, "nhất tuyệt" ư ?

Mai thường sánh vai với trăng :

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu.
(Chinh phụ ngâm khúc)

Mai cũng kề bóng chim (mai điểu), chủ yếu là chim én hoặc chim hạc. Ví dụ đôi câu "thần bút" của nhà thơ đa tài Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), đến nay vẫn khiến chúng ta giật mình kinh ngạc :

Dã mai cốt cách nguyên phi tục
Hải hạc phong tư tự bất quần

Tạm dịch :
Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục
Phong tư hạc biển vốn không bầy

Ngoài bộ "tam hữu" như đã nói, mai còn được kết hợp với lan, cúc, trúc tạo nên bộ "tứ quý" tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và không chỉ với thực vật, động vật, mai lại được các thi nhân cho "se duyên" với ngọc, với tuyết để ví von tài tử giai nhân. Như bài "Lão mai" trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" có câu :

Xuân thêm cốt cách, hương càng bội
Tuyết giúp tinh thần, ngọc hãy còn.

Hoặc như trong "Hương miệt hành", truyện thơ được sáng tác từ đầu Lê (có sách cho là đời Trần), có câu : Tuyết mai cốt cách, ngọc tinh thần Câu thơ ấy buộc nhiều người liên tưởng ngay đến câu Kiều quen thuộc : Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Cũng cần nói thêm, trong pho Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm được xem là "tập đại thành" của nền văn chương cổ điển Việt Nam, mai đã xuất hiện cả thảy 15 lần, mà quá nửa là đóng vai trò mỹ từ: sân mai, song mai, trướng mai, tiên mai, giấc mai, hồn mai...

Một mùa xuân lại đến. Mai vàng lại rực rỡ mãn khai. Đón tết bên cành "bách hoa khôi" cốt cách, thong thả thưởng thức những áng thơ của người xưa, âu là một thú đầy tao nhã. Tùy cơ duyên, mỗi người có thể chọn vài ba bài hay dăm bảy dòng tâm đắc cho bản thân mình.

Riêng tôi, đã nhiều đêm trừ tịch lặng ngắm mai vàng, lòng cứ hiển hiện đôi câu Cao Bá Quát:

Thập tải luân giao cầu cô kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Ôi Chu Thần: Mười năm xuôi ngược giao du quyết tìm thanh kiếm cổ, suốt một đời chỉ biết cúi đầu vái trước hoa mai.

Bây giờ giữa Sai Gòn, bên nhành mai hương quý báu phảng phất thơm, nhành mai mà một bạn ở Huế vừa gửi vào làm quà Tết, tôi đang hồi hộp ngóng đợi phút giao thừa. Đúng phút linh diệu ấy, tôi sẽ xông một lò trầm nhỏ, rồi lặng lẽ cúi đầu vái hai vái.

Một vái tạ hoa mai, dĩ nhiên.

Một vái xin dành cho những câu thơ tuyệt bút mà cha ông ta từng lao tâm khổ tứ ngợi ca loài hoa cao khiết.
_________

(Trích Báo Giác Ngộ)

Hoa mai Việt Nam




Hoàng Kim (1), Nguyễn Thị Thủy (2)

Mai vàng là đặc sản của Việt Nam. Hoa mai là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn, vui tươi và trường thọ. Hoa mai cũng là biểu tượng cho cốt cách thanh cao của người hiền. Cành mai ẩn tàng thông điệp của mùa xuân. Hoa mai vừa có cốt cách, vừa đẹp thanh nhã, vừa có hương thơm và nở sớm nhất trong các loại hoa xuân. Hoa mai, hoa đào, bánh chưng là hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Hoa mai Việt Nam là thương hiệu qúy giá, đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Hoa mai là một trong bốn loài hoa kiểng quý nhất (mai, lan, cúc, trúc) của Việt Nam đặc trưng cho bốn mùa. Hoa mai gắn liền với văn hóa, đời sống, tâm linh, triết lý sống, nghệ thuật ứng xử, thơ, văn, nhạc, họa. Hiếm có loài hoa nào được quan tâm sâu sắc như vậy: "Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh. Đường về vó ngựa dẫm mây xanh. Qua đèo chợt gặp mai đầu suối . Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành” (Hồ Chí Minh 1890-1969); “Đêm qua sân trước một nhành mai” (Mãn Giác 1052-1096) “Lâm râm mưa bụi gội cành mai” (Trần Quang Khải 1241-1294); Ngự sử mai hai hàng chầu chắp/ Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh” (Huyền Quang 1254-1334); Quét trúc bước qua lòng suối/ Thưởng mai về đạp bóng trăng” (Nguyễn Trãi 1380-1442); “Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục”( Nguyễn Trung Ngạn 1289-1370); “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Nguyễn Du 1765-1820) “Nhờ chúa xuân ưu ái/ Xếp đứng đầu trăm hoa/ Chỉ vì lòng khiêm tốn/ Nên hẵng nở tà tà” (Phan Bội Châu 1867-1940); “Mộng mai đình” (Trịnh Hoài Đức 1725-1825) ; “Non mai rồi gửi xương mai nhé/ Ước mộng hồn ta hóa đóa mai” (Đào Tấn 1845-1907); “Một đời chỉ biết cúi đầu vái trước hoa mai” (Cao Bá Quát 1809-1855) “Hững hờ mai thoảng gió đưa hương” (Hàn Mặc Tử 1912-1940) “Tìm em tôi tìm/ Mình hạc xương mai”(Trịnh Công Sơn 1939-2001),…

MaiViet là hai trang webblog tiếng Việt tập hợp các thông tin chuyên đề về hoa mai Việt Nam (http://blogtiengviet.net/MaiViet; http://360.yahoo.com/nguyenthithuy_harc ). Mục tiêu: 1) Hỗ trợ thông tin để hình thành và phát triển thương hiệu “hoa mai Việt Nam”; 2) Thiết lập cầu nối giữa các nhà khoa học, khuyến nông với những nghệ nhân hoa mai Việt Nam cùng với các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước; các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Nội dung thông tin gồm: Nguồn gốc và vùng phân bố hoa mai; giá trị kinh tế; đặc điểm thực vật; yêu cầu sinh thái; chọn tạo giống mai có hoa đẹp nhiều cánh lâu tàn, dáng thế cây đẹp, phù hợp nhu cầu thị trường; kỹ thuật mai bon sai và mai ghép; lão mai kiểng quý; kỹ thuật trồng mai ngoài đồng và trong chậu; kỹ thuật chăm sóc mai nở đúng tết; thơ văn hoa mai; họa và thư pháp hoa mai, hình ảnh hoa mai; những địa chỉ xanh.

MAIVIET CHÀO MỪNG VÀ MỜI ĐÓN CÁC BẠN!

--------
1) Bộ môn Cây Lương Thực-Rau Hoa Qủa, Khoa Nông Học
Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
2) Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam

QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI



Hoàng Kim


Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.

Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.

Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.