24.7.09

Nước mắt đời người rơi rơi lặng lẽ


THUNG DUNG. Sớm nay, nhận email của anh Phạm Xuân Liêm, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết Người Mỹ dạy bài học 'Cô bé lọ lem' như thế nào? mà xúc động ứa nước mắt. Tuổi tôi đã trãi nghiệm qua nhiều điều và không dễ khóc nhưng nước mắt đời người đã rơi lặng lẽ ... Sâu thẳm trong lòng tôi là sự biết ơn những người Thầy bằng những bài học giản dị của cuộc sống đã khai mở, giác ngộ cho tôi đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn và biết sống có ích hơn cho mọi người. Cái gốc của sự học là học làm người. Một bài giảng hay phải là một bài giảng đầy trách nhiệm, tâm huyết và thực sự có ích, thực sự cần thiết. Lắng sâu trong những email, cảm nhận của bạn, của thầy là sự trân trọng, tin cậy, yêu thương... Lưu lại bài giảng "Cô bé lọ lem" để thay lời muốn nói... Ảnh: Dưới đèn KH

NGƯỜI MỸ DẠY BÀI HỌC "CỌ BÉ LỌ LEM" NHƯ THẾ NÀO ?

VnExpress - Thứ Tư, 15/7/ 2009. Các thầy cô giáo thử nhìn lại xem mình đã dạy được cho học sinh mình bằng bao nhiêu % kiến thức và giá trị. Đã dùng cách nào để dạy học sinh, làm các em thích "văn của xã hội" hơn " văn của giáo dục" là lỗi ở đâu.

Người gửi: Nguyễn Hữu Tân

Tôi là một người của xã hội nửa cũ nửa mới. Tôi có cảm nhận rằng học sinh bây giờ có điều kiện về vật chất rất tốt nhưng điều kiện tinh thần vươn lên thì rất yếu. Xung quanh các em bây giờ có quá nhiều điều cám dỗ, nhiều sự hấp dẫn mang tính "hội đồng" lôi kéo, rủ rê. Các em thì không được trang bị đầy đủ những kiến thức, những bản lĩnh để đứng vững trong môi trường sống. Tôi không nói cụ thể về những vấn đề mà các em đang gặp phải.

Nói về nguyên nhân dẫn tới hướng tư duy, cách tiếp nhận cuộc sống thì trước hết không ai có quyền trách các em mà phải hướng tới việc trách những bậc phụ huynh, không chú ý quan tâm tới việc giáo dục, định hướng cho con em mà chỉ tập trung vào việc đối phó với "kinh tế".

Còn nữa, đó là trách nhiệm của các thấy cô giáo, giả dụ như môn Văn. Nói chính xác ra liệu có thầy cô giáo nào dạy văn lại có thể toàn tâm toàn ý hiểu được đúng giá trị của các tác phẩm văn học, hay chỉ ép học sinh hiểu theo đúng giáo trình, đúng ý của giáo viên.

Có phải các thầy cô giáo hiểu được giá trị thực tế của các tác phẩm cũng có thể diễn đạt, trình bày, dạy dỗ cho các em với tư duy của "người lớn" áp cho tư duy của "nhi đồng" hay không? Các thầy cô giáo có bao giờ tự hỏi lại mình xem mình đã làm được gì đúng nghĩa với trách nhiệm giáo viên, những gì đã làm được, những gì chưa làm được.
Bản thân vợ tôi cũng là một giáo viên, cô ấy gặp phải nhiều học sinh ở trong một xã hội mới "đổi đời" nhờ quy hoạch. Học sinh rất hư, có thể nói là "vô văn hóa". Và vợ tôi cũng rất nóng tính. Điều hệ quả tất yếu là có học sinh nữ lớp 9 (lưu ban 2 năm) sau giờ học bị vợ tôi cho một cái tát vị tội quá xấc xược đã kéo một nhóm bạn trai đầu xanh đầu đỏ tới cổng trường định hành hung. Sự việc đã phải nhờ tới công an can thiệp".

Với những định kiến về giáo viên bây giờ, có thể vợ tôi sẽ được ra giới "truyền thông" để "vinh danh tên tuổi" nhưng may mắn là "không". Như chúng tôi, như các bạn ngày xưa, sợ thầy cô giáo hơn sợ bố mẹ. Còn các em bây giờ "sợ không được chơi, sợ không được thể hiện cái tôi cá nhân hơn bất kỳ cái gì".

Hôm qua, tôi có đọc một bài dịch trên một blog rất có giá trị, tôi đã in ra và đưa vợ tôi nghiên cứu. Nếu dạy được học sinh là một cái tốt, còn nếu không dạy được học sinh thì cố gắng sau này dạy con.

Tôi xin gửi bài viết đó ở dưới đây để các thầy cô giáo nhìn lại xem mình đã dạy được cho học sinh mình bằng bao nhiêu % kiến thức và giá trị. Đã dùng cách nào để dạy học sinh, làm các em thích "văn của xã hội" hơn " văn của giáo dục" là lỗi ở đâu:

NGƯỜI MỸ DẠY BÀI HỌC "CÔ BÉ LỌ LEM" NHƯ THẾ ĐẤY!


Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế?

HS: Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?


HS: Vì có cô tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ.

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không?

HS: Không ạ.

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?

HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ.

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?

HS: Đúng ạ, đúng ạ!

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.

Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)

Không có nhận xét nào:

QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI



Hoàng Kim


Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.

Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.

Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.