11.12.12

Đồng cỏ hoa đón xuân



Hạnh phúc đơn sơ sao đẹp thế
Ngắm hoa lại nhớ buổi em về
Ta say đồng ruộng mừng xuân đến
Gần Tết em còn mãi miết đi ?
*
Flower meadows welcome spring


How nice the simple happiness is!
Watching flowers makes me miss you.
My passion for the field is to celebrate the coming spring.
Tet holiday is coming, Do  you continue working?

Thơ của Hoàng Kim (Rút trong tập THUNG DUNG)
English translation by NgocphuongNam
Ảnh
của HP chọn từ Anbum chưa đặt tên trên Internet


Trở về trang chính

THUNG DUNG

9.10.12

Trăng Tây Hồ




Hoàng Kim. 

Trăng  sáng lung linh , trăng sáng quá
Đất trời lồng lộng một màu trăng
Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm
Trăng vẫn là trăng, trăng vẫn rằm 


Trung Thu ngắm trăng, tôi lại nhớ về Hà Nội. Tôi nhớ Nghìn năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội với chùm ảnh tuyệt đẹp của một góc nhìn. Tôi bâng khuâng Nỗi nhớ mùa đông khúc hát trữ tình say đắm của Phú Quang, lắng những điều sâu thẳm Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thúy. Tôi nhớ trăng Tây Hồ, nhớ bún ốc Hà Nội và tìm về Một người Hà Nội của Nguyễn Khải để đọc lại. Cái kết của tản văn thật hay và có hậu: "Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gào rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi. Cây si cổ thụ đổ nghiêng tàn cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật gốc chỏng ngược lên trời. Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời. Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi. Cô nói với tôi thế, đã biết nói thế đâu phải đã già. Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm : "Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được". Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.". Bác Hồ có bài thơ hay Nguyên tiêu và tứ thơ Qua đèo chợt gặp mai đầu suối. Đối diện mặt trời đỏ là vầng trăng hiền hòa soi sáng cây mai vàng, cây đào bên nước biếc. Đúng là trăng Tây Hồ ! Bây giờ mời bạn hãy đọc:


HÀ NỘI TRONG MẮT AI


NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG


Nhạc và lời: Phú Quang, Trình bày và video Tấn Minh


NGHÌN NĂM THĂNG LONG ĐÔNG ĐÔ HÀ NỘI

Chúm ảnh tuyệt đẹp của một góc nhìn nghìn năm Hà Nội





Nhớ Bắc

Huỳnh Văn Nghệ

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...


http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/6448.html




Hướng về Nam

Thủ Đô giữa tháng năm này
Lọc muôn sắc đỏ cho ngày hội vui
Nhớ thương trong dạ bồi hồi
Trông cờ hoa nhớ đất trời phương Nam ...

Hoàng Kim



















MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

Nguyễn Khải


1.

Chúng tôi gọi là cô, cô Hiền, là chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi. Năm 1955, tôi từ kháng chiến trở về một Hà Nội nhỏ hơn trước, vắng hơn trước, còn họ hàng chỉ còn lại có dăm gia đình, vì chồng và con đều đi theo cách mạng. Cô Hiền cũng ở lại, dầu cô chú vẫn sống ở Hà Nội suốt chín năm đánh Pháp, các con lại còn nhỏ, chả có dính líu gì đến chính phủ "ngoài kia" cả. Họ ở lại chỉ vì không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở một vùng đất khác. Lại thêm, chú tôi làm nghề giáo học, một ông giáo dạy cấp tiểu học, là người cần thiết cho mọi chế độ, chế độ cộng sản cũng phải khuyến khích trẻ con đi học, học văn hóa và học làm người. Còn chính trị chính em là những lứa tuổi trên, học sinh tú tài và sinh viên đại học. Tính thế là đúng nhưng tôi vẫn lo, thật ra không có gì đáng để phải lo, nhưng tôi vẫn nghi ngại gia đình này rất khó gắn bó với chế độ mới và chế độ mới cũng không thể tin cậy được ở họ. Là vì họ ở rộng quá, một tòa nhà tọa lạc ngay tại một đường phố lớn, hướng nhà nhìn thẳng ra cây si cổ thụ và hậu cung của đền Ngọc Sơn. Với người vô sản, ở quá rộng là một cái tội, trong khi cán bộ và gia đình họ phải ở chen chúc trong những khu nhà tập thể, có khi phải ở ngay dưới gầm cầu thang của nhà bạn bè. Cái mặc cũng sang trọng quá. Mùa đông ông mặc áo ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Lại cái ăn nữa cũng không giống với số đông. Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định. Gia đình tôi thì ăn uống bình dân hơn, vợ chồng con cái ngồi súm sít quanh cái mâm nhôm, thức ăn có khi múc ra đĩa, có khi cứ để nguyên trong nồi, nồi lớn đặt giữa mâm, nồi nhỏ đặt cạnh mâm, cứ việc sục muôi vào, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát con mắng cái, nhồm nhoàm, hả hê, không cần phải theo bó một quy tắc nào cả. Ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi của... giai cấp tư sản. Tôi không dám thốt ra miệng nhưng vợ chồng vẫn bảo riêng nhau : "Cô Hiền đích thị là tư sản rồi. Đã là tư sản thì không thể tin cậy được. Việc mình mình biết, việc cô mặc cô, dính líu nhiều có ngày lại rắc rối".

2.

Đã là người gốc Hà Nội thì không thể không nghe nói tới sự giàu có lương thiện của cụ Tú Dâu Hàng Bạc, là nhà ở cuối Hàng Bạc đầu Hàng Mắm. Xưa kia đất ấy là bến sông, mành Nghệ An chở nước mắm ra đổ tại bến và bốc ngay lên nhà. Nước mắm đổ vào các kiệu chôn chìm trong đất, mỗi lần thay phải dùng khăn bông trắng lau chùi sạch. Một dãy nhà chôn kiệu nước mắm và một gian nhà để tiền, tiền kẽm, mang một quan tiền kẽm đã phải vác vai. Cụ Tú đậu tú tài khoa thi hương cuối cùng khi tuổi đã lớn, sau đó là bỏ hẳn bút lông để theo bút sắt. Cụ Tú ngâm thơ vịnh nguyệt, ăn ở giao tiếp theo kiểu cách nhà quan, dạy con cái cũng theo khuôn phép nhà quan là cái phần hào nhoáng của gia đình. Còn cái phần căn cốt, cái phần được người đời trọng thực nể thực, cái gian nhà tiền ấy đều do hai bàn tay đảm đang của vợ gây dựng nên. Bà chỉ buôn có nước mắm thôi. Thơ của cụ Tú được bạn bè khen nịnh chẳng qua là nhờ ở cái mùi nước mắm Nghệ, nhờ ở cái mùi tiền từ các kiệu nước mắm, con cháu sau này vẫn đùa vụng thế. Bà Tú Dâu là em ruột bà ngoại tôi và là chị ruột mẹ cô Hiền. Hình như cả ba chị em đều lớn lên ở Hà Nội cùng một thời, cái thời Pháp mới sang, phố phường còn là nhà lá, nhưng chỉ có bà Tú là tiếng tăm hơn cả. Nhìn những tấm ảnh các cụ chụp từ đầu thế kỷ mà cảm động. Các cụ đều không được đẹp, mặt vuông trán ngắn, mắt hẹp và dài, lại hơi xếch một chút, gò má thì cao. Cả ba cụ đều ăn mặc theo cái mốt của thời ấy : khăn vấn bỏ đuôi gà, áo tứ thân bằng hàng tơ dệt thưa gọi là xuyến, mặc quần lĩnh Bưởi và đi hài. Ba bà đặc nhà quê nhưng lại đẻ ra một loạt con gái rất tân thời. Khoảng cuối những năm ba mươi, mẹ già tôi vẫn để răng đen, nhưng đã vấn tóc trần, đeo kiềng cổ và vòng tay bằng vàng chạm vừa thô vừa nặng. Cô Hiền vào những năm ấy đã cạo răng trắng và uốn tóc, mặc quần áo đồng màu, hoặc đen hết, hoặc trắng hết. Còn nữ trang đã biết dùng đồ ngọc, bạch kim và hạt xoàn. Cũng vào những năm ấy có một số gia đình công chức cao cấp và quan lại, có cả mấy nhà buôn bán tơ lụa, thuốc bắc, kim hoàn, cho con gái lớn mở phòng tiếp khách văn chương, gọi là salon littéraire để mời gọi mấy anh văn sĩ, thi sĩ mới nổi và các cậu sinh viên cao đẳng. Khách văn chương là cái khung phải có, còn đám công tử một mai sẽ thành quan đốc, quan trạng, quan huyện mới là những nhân vật chính của mọi mộng mơ theo kiểu Tự lực văn đoàn. Ngôi nhà của cô Hiền cũng là một salon nổi tiếng, không phải vì bố mẹ giàu hoặc sang mà vì có con gái lớn quá đẹp, vừa đẹp vừa thông minh, biết cách tự khoe bằng những mẩu chuyện rất duyên dáng của mình. Tôi sở dĩ biết vô ối chuyện vặt vãnh của mấy ông Lan Khai, Đái Đức Tuấn tức Tchya, Phùng Tất Đắc, Lê Văn Trương, Hồ Dzếnh... là do cô tôi kể lại cả. Ông Trương còn nhờ cô đọc giùm bản thảo của nhiều cây bút chưa thành danh, một phần vì tin ở tài thẩm định văn chương của cô, phần nữa cũng vì ông bận quá : bận viết, bận hút và bận cách làm giàu. Tôi hỏi đùa : "Vậy cái ông Nam Cao là do cô tìm được ra phải không ?" Cô trả lời rất nghiêm trang : "Ông Lê Văn Trương tìm ra. Là do ông nằm hút thuốc phiện ở nhà Trác Vỹ, tiện tay với lấy một chồng bản thảo để kê đầu, rồi tiện tay lôi ra một tập để đọc, cái tập ấy có tên "Cái lò gạch" do một cây bút hoàn toàn vô danh viết ra".

3.

Được sống năm đầu ở Hà Nội vừa giải phóng với lứa tuổi chúng tôi ngày ấy mới hăm bốn hăm nhăm cái xuân xanh, là cực kỳ khoan khoái. Chín năm xa phố phường, xa ánh điện, không được vào rạp xem chiếu bóng hoặc cải lương, không được vào một cái chợ đông người giữa ban ngày, bây giờ mỗi ngày đều ở Hà Nội, mỗi đêm đều ở Hà Nội, mãi mãi còn ở Hà Nội. Chúng tôi thì vui thế, tại sao những người vốn sống ở Hà Nội chưa thật vui nhỉ ? Họ đang tìm cách thích ứng với chế độ mới, cách sống, cách làm việc, cả cách nói năng nữa. Một lần tôi đến thăm cô chú, thằng em trai đã 14, 15 tuổi chạy ra mở cửa rồi kêu ầm lên : "Mẹ ơi ! Đồng chí Khải đến". Cô tôi cau mặt gắt : "Phải gọi là anh Khải, hiểu chưa ?" Bất đồ chú tôi cũng bước tới, nắm tay tôi rồi hỏi hồn nhiên : "Tại sao chủ nhật trước đồng chí không ra chơi, cả nhà chờ cơm mãi". Cô tôi thở dài, quay người đi. Tôi nói : "Nước được độc lập vui quá cô nhỉ ?" Cô trả lời : "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ ?" Theo cô, chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công xá cho kẻ ăn người ở. Về sau tổ dân phố lại vận động nhau không nên nuôi người ở. Nhà này trước đây có hai người ở, một anh bếp và một chị vú. Chị vú là vợ anh bếp, đẻ được đứa con nào lại đưa về quê cho bà ngoại nuôi. Sau ngày giải phóng cô tôi cho anh bếp về quê làm ruộng, còn chị vú vẫn ở lại, vì chủ tớ còn cần dựa vào nhau. Mỗi ngày chị đi chợ, đều có cán bộ bám theo, dò hỏi : "Chị có bị nhà chủ hành hạ không ? Tiền công có đưa đều đặn không ? Thái độ chính trị của họ là như thế nào ?" Chị vú gắt ầm lên : "Nếu họ không tử tế tôi đã xéo đi từ lâu rồi không cần anh phải xui". Chị ta kể lại chuyện đó cho cả nhà nghe, bình luận : "Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện lặt vặt!". Bây giờ thì chị vú đã mất rồi, về quê được bốn năm thì mất. Chị trông con cho bà cô tôi từ năm 19 tuổi đến năm 45 tuổi mới về quê, tình nghĩa như người trong họ. Anh chồng không lấy vợ khác vì các con đã trưởng thành, anh làm chủ nhiệm một cửa hàng mua bán của xã, ngày giỗ ông chú và ngày tết đều đem gạo, đậu xanh, miến và rượu, toàn của nhà làm cả, lên biếu cô và các em.

4.

Trong lý lịch cán bộ tôi không ghi tên cô Hiền. Họ thì xa, bắn súng đại bác chưa chắc đã tới, huống hồ còn là bà tư sản, dính líu vào thêm phiền. Tôi vẫn đinh ninh cô phải thuộc giai cấp tư sản vì cô có gương mặt đặc biệt là tư sản, càng già lại càng rõ. Tôi hỏi cô :

- Tại sao cô không phải học tập cải tạo, cô giấu cũng tài nhỉ?

Cô Hiền cười rất tươi :

- Tao chưa đủ tiêu chuẩn.

Tôi cũng cười :

- Lại còn chưa đủ.

Cô nói thản nhiên :

- Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được.

Tôi nín lặng vì đó là sự thật. Cửa hàng của cô chỉ bán có một thứ : hoa giấy, các loại hoa giấy và các lẵng hoa đan bằng tre, thêm ít bưu ảnh và sổ tay kỷ niệm. Hoa làm rất đẹp, bán rất đắt, nhưng chịu thuế rất nhẹ, chỉ có một mình cô làm, các con thì chạy mua vật liệu, hoặc làm giúp phần cuống lá vào dịp Tết ta và Tết tây. Nhiều bà bạn cũng tỏ ý ngờ vực : "Trông bà như tư sản mà không bị học tập cũng lạ nhỉ?". Cô tôi trả lời thật nhẹ nhàng : "Các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết". Tất nhiên là cô khôn hơn các bà bạn của cô và cũng thức thời hơn ông chồng. Sau ngày Hà Nội giải phóng cô vẫn có hai dinh cơ, một nhà đang ở và một nhà ở Hàng Bún cho thuê. Ông làm nghề dạy học, con đông, đủ ăn là may, có tiền dư để tậu nhà là do ông viết sách giáo khoa cấp tiểu học, được Nha Học chính công nhận và cho in bán. Năm 56, cô bán ngôi nhà ở Hàng Bún cho một người bạn mới ở kháng chiến về. Một năm sau có một cán bộ đến hỏi về nhà cửa và có nhắc tới ngôi nhà ở Hàng Bún. Cô trả lời tỉnh khô : "Xin mời anh tới ngôi nhà anh vừa nói, hỏi thẳng chủ nhà xem họ trả lời ra sao. Nếu còn thắc mắc xin mời anh trở lại". Cũng trong năm 56, ông chú tôi muốn mua một cái máy in nhỏ để kinh doanh trong ngành in vì chế độ mới không cho phép ông mở trường tư thục. Bà vợ hỏi lại : "Ông có đứng máy được không ?" - Ông chồng trả lời : "Không" - "Ông có sắp chữ được không ?" - "Không"- "Ông sẽ phải thuê thợ chứ gì. Đã có thợ tất có chủ, ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à ?" Ông chồng tính vốn nhát, rút lui ngay. Cô kết luận với tôi : "Chế độ này không thích cá nhân làm giàu, chỉ cần họ đủ ăn, thiếu ăn một chút càng hay, thiếu ăn là vinh chứ không là nhục, nên tao chỉ cần đủ ăn". Làm hoa giấy không thể làm giàu được nhưng rất đủ ăn, lại nhàn, lại không phải lo sợ gì. Tôi hỏi lại : "Còn chú, còn các em ?" - "Chú tuy chưa già nhưng đành để ngồi chơi, các em sẽ đi làm cán bộ, tao sẽ phải nuôi một lũ ăn bám, dầu họ có đủ tài để không phải sống bám".

5.

Cô Hiền bên ngoại, chị Đại bên nội là những người đàn bà có đầu óc rất thực tế. Mọi sự mọi việc đều được các bà tính toán trước cả. Và luôn luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có cả sự lãng mạn hay mộng mơ vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ. Cô tuyên bố thẳng thừng với tôi : "Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ". Gần ba chục tuổi cô mới đi lấy chồng, không lấy một ông quan nào hết, cũng chẳng hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ văn nhân, đùa vui một thời còn son trẻ thế là đủ, bây giờ phải làm vợ làm mẹ, cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Có gì mà kinh ngạc, cô đã tính trước cả. Sau khi sinh đứa con gái út, người con thứ năm, cô nói với chồng : "Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập, khỏi sống bám vào các anh chị". Là thôi hẳn. Cô bảo tôi : "Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng. Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao". Khi các con còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn. Cô vẫn răn lũ con tôi : "… là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng". Có lần tôi cãi : "Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo thời bình là khó lắm". Cô ngồi ngẩn ra một lúc, rồi bảo : "Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao là tùy".

Đầu năm 1965, Hà Nội có đợt tuyển quân vào chiến đấu trong Nam, là đợt đầu tiên nên tuyển chọn rất kỹ càng, lứa tuổi từ 18 đến 25, diễn viên cải lương và kịch nói có, nhạc sĩ có, họa sĩ có, giáo viên trung học rất đông, là những chàng trai ưu tú của Hà Nội. Nghe nói khoảng 660 người. Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng ký xin đi đánh Mỹ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam. Họ dừng lại ở Hà Nội vài giờ vào lúc tối, nhưng không một ai biết. Tôi hỏi cô : "Cô bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ ?" Cô trả lời : "Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng". Ba năm cô không nhận được tin tức gì về đứa con đã ra đi, lại đến thằng con kế làm đơn xin tòng quân, cũng đòi vào chiến trường phía trong để gặp anh, nếu anh đã hy sinh thì nối tiếp chí hướng của anh. Tôi hỏi lại cô: "Cô cũng đồng ý cho nó đi à ?" Cô trả lời buồn bã: "Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó". Rồi cô chép miệng: "Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì". Cũng may chú em tôi học rất giỏi, thi vào đại học với số điểm cao, nên nhà trường giữ lại. Tôi đến chúc mừng cô và em, cô nói: "Hiện tại thì nó may hơn anh nó, nhưng nếu anh nó còn sống thì cũng chưa biết đứa nào may hơn đứa nào". Cô tôi tính toán việc nhà việc nước đại khái là như thế.

6.

Tháng 12 năm 1975, cô Hiền cho con gái xuống nhà gọi vợ chồng tôi tới ăn liên hoan mừng em Dũng đã về. Cô nói: "Nó đeo ba lô bước vào đến giữa nhà tao còn hỏi, anh muốn mua gì ?" Tôi cũng không thể nhận ra nếu được gặp đồng chí thượng úy này ở đâu đó. Gầy ốm quá, da đen quá, râu ria cũng nhiều quá, chẳng còn tí dấu vết gì là một chàng trai của Hà Nội. Trong mấy chục năm sống dưới chế độ ta, mỗi tháng cô đều tổ chức một bữa ăn bạn bè, gồm các cựu công dân Hà Nội, những tên tuổi đã thành danh của đất kinh kỳ. Khoảng mươi, mười lăm người gì đó. Cửa hàng đóng từ chiều, các bà lần lượt đến trước, xông ngay vào bếp cùng làm cơm, các ông đến sau, mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, bỏ áo khoác ngoài bên trong còn mặc đồ bộ, thắt cà-vạt, nhưng đã sờn bạc cũ kỹ. Tiệc đã bày xong, vẫn chỉ có mấy ông ngồi tán suông chứ chưa thấy các bà. Rồi cửa trong mở, bà chủ xuất hiện trước như diễn viên trên sân khấu, lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh, rồi một loạt bảy tám bà tóc đã bạc hoặc nửa xanh nửa bạc, áo nhung, áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển. Ngày thường các bà mặc áo bông ngắn, quần thâm, đi dép hoặc đi guốc, vuông khăn len tơi tớp buộc quanh cổ hay bịt đầu, là các cô Lọ Lem của mỗi ngày, có phải nói chuyện mình cũng dễ ăn nói buông tuồng, thiếu ý tứ. Tất cả là bình dân, tất cả đều có quyền ăn nói thô tục. Còn lúc này, toàn là những người quí phái mình phải xử sự ra sao nhỉ? Cô hỏi tôi : "Xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị. Theo anh, ở xã hội ta thì là tầng lớp nào ?". Tôi cười phá lên : "Thưa cô, là bọn lính chúng tôi, là giai cấp lính chúng tôi, chứ còn ai nữa". Cho nên cái mùi lính tráng thâm nhiễm vào mọi nơi mọi chỗ, quan hệ kiểu lính, vui chơi kiểu lính, ăn nói kiểu lính, văn chương cũng là một mùi lính. Là người lính vừa chiến thắng, người lính đang được cả xã hội trọng vọng. Còn bây giờ, sau bữa tiệc mừng đại thắng mười lăm năm, tầng lớp lính đã mất ngôi vị độc tôn của mình rồi. Bây giờ là thời của các giám đốc công ty, các tổng giám đốc công ty, các cố vấn, chuyên viên kinh tế thật giả đủ loại lên ngôi ban phát mọi tiêu chuẩn giá trị cho cả xã hội. Tôi xin trở lại cái bữa tiệc của buổi tối hôm ấy, bữa tiệc của mấy người thượng lưu của Hà Nội đã mất ngôi tiếp đãi, chiều nịnh hai anh bộ đội từ một thành phố lớn nhất nước trở về. Nói cho thật, Dũng là nhân vật chính, còn tôi chỉ là một loại nhân vật phụ, ghé gẩm vào cái vinh quang chung mà thôi. Trong bữa tiệc hình như tôi nói có hơi nhiều, nói về thành phố Sài Gòn rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người dân Sài Gòn cũng lịch thiệp nhã nhặn hơn người dân Hà Nội. Những người ngồi nghe đều nín lặng, không một ai hỏi lại, không một ai bình phẩm gì thêm. Tôi đã nói điều gì thất thố ? Một ông già hướng mặt về phía Dũng bảo: "Đồng chí bộ đội có chuyện gì vui kể nghe nào?" Dũng nói : "Thưa các bác, chỉ có những chuyện không được vui lắm". Một bà nói : "Cứ nói, người ở xa về có quyền muốn nói gì thì nói" Dũng nói rằng trong nửa năm nay anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người, bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục. Anh kể về một người bạn cùng trung đoàn, cùng một cấp thượng úy, tên là Tuất. Khi chuyến tàu từ Thái Nguyên tiến vào ga Hà Nội đã gần nửa đêm. Vừa mưa to xong, ánh điện lòe nhòe trên lá cây, trên những mặt đường vắng hun hút, trên sân ga Hà Nội. Tàu vừa dừng lại thì từ đâu đó bật lên tiếng loa rất sâu, rất vang : "Quí khách chú ý ! Quí khách chú ý ! Chuyến tàu từ Thái Nguyên...". Tuất ngồi cạnh Dũng chợt nhoài người qua mặt bạn, gần như đưa cả nửa thân người qua khuôn cửa sổ, hất mặt lên phía có tiếng loa kêu nho nhỏ: "Dũng ơi, Dũng, tiếng của mẹ mình đấy ! Tiếng của mẹ mình đấy !...". Không một ai được phép rời khỏi toa tầu, không một người thân nào được biết trước để chờ sẵn ở sân ga, để được nhìn nhau lần cuối, nói với nhau một lời cuối. Tất cả đều phải bí mật. Dũng kể tiếp:

- Thằng Tuất hy sinh ở trận đánh vào Xuân Lộc, trước ngày toàn thắng có mấy ngày. Cháu về Hà Nội là muốn nhào ngay lại nhà ga, đến phòng phát thanh, gặp mẹ Tuất, nói với bà một lời, vì bọn cháu vẫn ở cạnh nhau trong suốt mười năm. Vậy mà phải mấy ngày sau cháu mới dám đến. Cháu biết nói thế nào với một bà mẹ có con hy sinh, mà bạn của con mình lại vẫn còn sống, sống đến bây giờ, đến hôm nay. Bà bước ra giữa một đám đông nhưng cháu vẫn nhận ngay được là mẹ của Tuất. Tuất vẫn nói là hắn giống mẹ hơn giống cha. Cháu chỉ vừa kịp nói : Thưa cô, cháu là Dũng... nước mắt đã đầm đìa, rồi cháu òa khóc y hệt một đứa trẻ. Bà níu chặt lấy một cánh tay của cháu nhưng không khóc. Và bà nói run rẩy : "Nín đi con, nín đi Dũng! Cô đã biết cả. Cô biết từ mấy tháng nay rồi".

7.

Nhiều năm đã trôi qua. Tôi sống ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có việc phải ra Hà Nội đều ghé lại thăm cô Hiền. Chú tôi đã mất rồi. Các em đã có gia đình riêng. Chúng nó cũng đã bắt đầu già. Lớp các cụ trong họ chỉ còn vài người, cô Hiền là một. Cô đã yếu nhiều, đã già hẳn, ngoài bẩy mươi rồi còn gì, nhưng cô vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn. Nơi tiếp khách của cô sau tấm bình phong cao hơn đầu người bằng gỗ chạm suốt mấy chục năm không hề thay đổi. Một bộ sa lông gụ "cái khánh", cái sập gụ chân quì chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thúy Hồng, một cái lư đời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào. Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội. Năm nay chắc chưa thể có thủy tiên. Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà lại không buôn được vài ngàn củ thủy tiên nhỉ ? Ví thử có thủy tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thủy tiên? Lại thêm cái cách sống, cái tâm lý sống ồ ạt, xô bồ, vụ lợi của đám người vừa thoát khỏi cái chết cái khổ đã dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một rò hoa thủy tiên. Cô Hiền hỏi :

- Anh ra Hà Nội lần này thấy phố xá thế nào, dân tình thế nào ?

Tôi vừa cười vừa nói :

- Chưa bao giờ Hà Nội vui như bây giờ. Phố xá vui, mặt người vui.

- Nhiều người nói Hà Nội đã sống lại.

Tôi nói :

- Có đúng một phần, phần xác thôi, còn phần hồn thì chưa. Cứ nhìn nghe những người Hà Nội buôn bán, ăn uống, nói năng, cư xử với nhau ở ngoài đường là đủ rõ.

Nói thế cũng hơi nghiệt. Vì có mấy việc vừa xảy ra làm tôi tức, tức và đau. Tôi đạp xe ở đường Phan Đình Phùng, tôi đạp chậm, vừa đạp vừa nghĩ ngợi. Một ông bạn trẻ đạp xe như gió thúc mạnh bánh xe vào xe tôi, may mà gượng kịp. Tôi quay lại nói cũng nhẹ nhàng : "Cậu đi đâu mà vội thế ?". Hắn không trả lời, đạp vượt qua xe tôi, rồi quay mặt lại chửi một câu đến sững sờ: "Tiên sư cái anh già !". Lại một buổi sáng tôi đến thăm một người bạn ở quận Đống Đa, đã lâu không đến nên quên đường, lát lát phải hỏi thăm. Có người trả lời, là nói sõng hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ. Tôi có than phiền với vợ chồng bạn về sự thiếu lễ độ của người Hà Nội, cô con gái đang cho con bú góp lời liền : "Ông ăn mặc tẩm như thế lại đi xe đạp họ khinh là phải, thử đội mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, cưỡi con cúp xem, thưa gửi tử tế ngay". Tôi cười nhăn nhó: "Lại ra thế !". Cô Hiền không bình luận một lời nào về những nhận xét không mấy vui vẻ của tôi về Hà Nội. Cô than thở với tôi rằng dạo này cô thường nghĩ ngợi mọi chuyện một cách duy tâm, y hệt một bà già nhà quê. Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gào rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi. Cây si cổ thụ đổ nghiêng tàn cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật gốc chỏng ngược lên trời. Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời. Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi. Cô nói với tôi thế, đã biết nói thế đâu phải đã già. Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm : "Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được". Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.


BÚN ỐC HÀ NỘI

Nguyễn Thị Tuyết Hạnh

Cuối tuần xin mời các bạn  thưởng thức món bún ốc Hà nội nhé


Cứ mỗi khi thu về se se lạnh là lại thấy thèm bún ốc.Mà cũng chẳng hiểu sao  con ốc nhồi lại béo và ngon khi mùa thu về. Ngày nhỏ cứ mỗi dịp trung thu, mẹ mình lại mua ốc mít về luộc hoặc nấu một nồi bún ốc gọi là ''ăn ốc trông trăng''.

Lòng hoài niệm nhớ về tuổi thơ khi mỗi buổi sáng lại ra vỉa hè hiệu kem Phi điệp ăn 1 hào bún ốc nguội. Bún ốc nguội là bún ốc mà nước dùng để trong hũ sành. Khi có người ăn bà bán bún nhể vào chiếc bát con chừng 4,5 con ốc bằng đầu ngón tay cái , béo mẫm , sau đó dùng chiếc muôi tiện bằng  một gióng của cây trúc mầu vàng ươm múc ra chừng 2 muôi chan vào . Khi ăn , mọi người sêu một chút ớt bột chưng thả vào bát ốc. Từng váng ớt nhỏ quay vòng cùng những sợi lá tía tô nâu nâu thái mỏng tỏa mùi thơm  thật hấp dẫn. Gắp từng vắt bún nhỏ trắng tinh ,   xoe tròn mỏng mảnh thả nhẹ vào bát nước rồi đưa lên miệng. Chao ôi, ngon! Từng sợi bún mềm trơn trong miêng quyện với nước ốc ngọt lừ, chua dịu của dấm bỗng thật hấp dẫn. Bao giờ mình cũng dành những con ốc để ăn cuối cùng. Chà chà, con ốc giòn mềm sần sật quyện với tương ớt chưng thơm thơm, cay cay vừa ăn vừa sụt sịt sao mà sướng thế. Bây giờ ở Hà nội ít người bán bún ốc nguội. Hình như chỉ còn một hàng ngồi ở viả hè phố Ô quan chưởng. Hàng bún ốc này ngon. Đó là nơi hẹn nhau đến thưởng thức bún ốc của trai thanh gái lịch , những người Hà nội sành ăn và cả những người Hà nội xa quê về thăm tổ quốc. Đa số người Hà nội bây giờ ăn bún ốc nóng.

Hôm nay ra chợ mua 2 kg ốc. Con bé bán ốc quả quyết là ốc đồng, không phải ốc nuôi. Kinh nghiệm bao nhiêu năm làm nội trợ của mình cũng biết đấy là ốc đồng thật vì con ốc mỏng vỏ , vàng mỡ màng. Con ốc nuôi thì vỏ dầy và đen, nhìn thô kệch lắm.

Muốn có một bát bún ốc ngon thì con ốc phải béo và sạch. Muốn ốc béo và sạch thì khi mua phải chọn con ốc nhồi đầy miệng, vỏ mỏng vàng ươm. Các cụ ngày xưa gọi là sáng mầu. Mang ốc về ngâm khoảng 3 tiếng trong một cái chậu hay cái nồi nhôm vì ốc kị đồ bằng kim loại, se nhả nhanh chất bẩn , nhớt và ra hết mùi tanh. Rửa sạch ốc cho vào ngâm lại với nước lã trong đó có đập một quả trứng gà trên 1 kg ốc, hoặc nếu không có trứng gà thì thả vào một dúm bột mỳ cũng được, ngâm thêm dăm tiếng nữa. Lúc này con ốc đã sạch bụng, sạch nhớt sẽ hút chất bổ trong trứng. Khi ăn con ốc giòn , không dai, không tanh và ngọt. Lúc nhể ra con ốc béo trắng nằm tròn thu lu như chiếc chén hạt mít uống rượu của các cụ.

Luộc ốc cũng phải canh cho nồi ốc sôi bùng lên rồi nhắc xuống ngay vì đun lâu quá ốc sẽ dai. Sau đó đặt nồi lên bếp cho vào một chút mỡ, phi phần trắng của củ hành tươi thơm lên, cà chua thái hình miếng cau cho vào xào xơ với bột canh rồi đổ nước luộc ốc vào. Khi canh sôi cho tiếp chút dấm bỗng vào. Nếm thấy ngọt, chua dịu thơm mùi bỗng là được.

Bún ốc ngon mà thiếu ớt bột chưng là vứt. Chưng ớt cũng phải có kinh nghiệm không có ớt cháy đen, nhìn xấu và đắng. Cho một ít mỡ và chảo phi mấy cọng củ hành tươi thơm lên. Khi mỡ sôi đổ vào ớt bột đã để sẵn trong bát sứ, ớt sẽ gần như giữ nguyên mầu đỏ hấp dẫn.

Ăn bún ốc nóng phải ăn với bún sợi to mới ngon. Rau sống thì phải có xà lách, rau thơm, rau mùi, tía tô và không thể thiếu những khoanh cây chuối non thái mỏng tang. Nhìn đĩa rau sống xanh như ngọc thấp thoáng những khoanh cây chuối non ấy ta thấy giống như những vầng trăng khuyết đang lơ lửng trên bầu trời.

Gắp bún vào tô, nhể vào đấy khoảng 4, 5 con ốc ,rắc ít tía tô thái mỏng chan nước ốc với vài miếng cà chua đỏ au. Thế là ta đã có được một bát bún ốc mang hương vị mùa thu, hương vị Hà nội rồi đấy. Nào xin mời các bạn!




Mời các bạn ăn bún ốc


Bún ốc ngon không? Ai muốn ăn thì ghé thưởng thức bún ốc của mình nhé

Nguồn: Nguyen Tuyet Hanh blog

Hoàng Kim


Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.

Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.

Bộ trưởng Xuân Thủy là  nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là
người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời  bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.

Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.

Nguồn: Hoàng Kim Blog

Trở về trang chính
FOODCROPS.VN

26.9.12

Tứ Cô Nương bay qua giấc mơ


 
THUNG DUNG. Không chỉ Thanh Chung bay qua giấc mơ mà "Tứ Cô Nương" Lâm Cúc, Thanh Chung, Kim Oanh, Hoài Vân (từ trái sang phải), cùng nhóm bạn hữu "Vì ta cần nhau" đang bay qua giấc mơ của họ. Đó là  giấc mơ những người phụ nữ Việt Nam bình thường, tử tế, nhân hậu. Họ đã sống thật tốt, thật thân ái, thật chân tình trong đời thường và luôn vui vẻ "cúi xuống gieo hạt thiện" tùy theo hoàn cảnh của mình. Họ luôn có giấc mơ sống vui, sống khỏe, sống nhân ái, tìm thêm nguồn sống để chia sẽ cho cộng đồng và những người kém may mắn. Cao hơn trang văn là cuộc đời. Đó là những người bạn sống đẹp trong lòng tôi. Tôi chưa vội viết về họ mà chỉ neo lại ít hình ảnh tư liệu để nhớ ....

 

 NHỮNG TRANG VĂN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ 
"BAY QUA GIẤC MƠ "

Thanh Thanh/ VOV Online

(VOV) - Tập truyện ngắn “Bay qua giấc mơ” của Lê Thanh Chung là những trăn trở muôn thuở của đời người đi tìm hạnh phúc. (ảnh Tác giả Lê Thanh Chung và nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên)

Không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, không mong mình trở thành người cầm bút, với Lê Thanh Chung, viết đơn giản chỉ là viết. Chị viết cho bạn bè, cho người thân và biến nó thành món quà tặng của cuộc sống. Văn chương cũng giống như con người. Ngòi bút trăn trở đầy suy tưởng, đâu đó lại pha chút nghịch ngợm và ngang tàng giống như Hồ Xuân Hương đã khiến cái tên Thanh Chung nổi tiếng trong cộng đồng mạng.
Ngay từ khi tập truyện ngắn “Bay qua những giấc mơ” còn chỉ là những bài viết ngắn trên blog “Gửi hương cho gió”, đã có cả nghìn blogger yêu thích. Thanh Chung trước giờ chưa bao giờ có ý định xuất bản sách hay bán sách của riêng mình nhưng với “Bay qua những giấc mơ”, chị lại có một tham vọng.
Thanh Chung dí dỏm: “Được sự động viên, cổ vũ từ bạn bè, độc giả trên các mạng xã hội… tôi lại một lần nữa ‘liều lĩnh tấn công’ vào văn học”. Bỏ toàn bộ tiền túi cùng một số nhà hảo tâm để in cuốn sách, Thanh Chung muốn sử dụng cuốn sách để gây quỹ hướng về những em nhỏ miền núi có hoàn cảnh khó khăn. 

Cùng với nhóm “Vì ta cần nhau”, Thanh Chung sẽ đi những chuyến thiện nguyện, mang áo ấm, sách vở đến với thầy trò vùng cao. Giá sách chỉ khiêm tốn với 60.000/cuốn nhưng Thanh Chung vẫn rất mãn nguyện. Chị chia sẻ: “Sách chỉ in có 2000 quyển nhưng đã bán được gần hết. Mọi người vừa mua sách vừa ủng hộ. Đó đều là tấm lòng giúp đỡ các em nhỏ vùng xa còn nhiều khó khăn”.


Chắp cánh những ước mơ
Con người luôn cần phải mơ ước. Ước mơ là động lực cho sự tồn tại. Những ước mơ nhỏ nhoi, những ước mơ táo bạo cùng với những con người dám bay lên để biến nó thành điều cao cả hơn.
Tập truyện ngắn “Bay cùng giấc mơ” dày 200 trang với 36 câu chuyện, chẳng dài cũng chẳng ngắn nhưng chứa đựng biết bao câu hỏi và trăn trở về hạnh phúc. Những trĩu nặng trong tâm tư của một người phụ nữ có tài, giỏi giang trong công việc, tử tế và vị tha trong khát vọng yêu và được yêu cứ như thế trải dài trên suốt những trang giấy mỏng manh.
Những câu chuyện của Thanh Chung luôn xoay quanh những mối tình dang dở, ngang trái. Đó là những mối tình buồn nhưng rất đẹp, bởi nổi bật lên trên là sự tử tế, lòng bao dung, không thù hận của các nhân vật với những kẻ làm mình đau đớn, lấy đi hạnh phúc của mình. Trái tim sứt sẹo của những người phụ nữ như được ve vuốt bởi bàn tay dịu mềm, làm tan đi những đớn đau. Có lẽ chính vì sự vượt lên những giá trị bình thường, trên quan điểm về phận nữ nhi đã khiến cho những tác phẩm của Thanh Chung có được sự truyền cảm sâu sắc.
Cảm nhận về văn của Thanh Chung, có lẽ chỉ những người phụ nữ mới có thể thấu hiểu được hoàn toàn. Thanh Chung đứng giữa đám đông để tìm ra những điểm nổi bật, nhưng chị dùng con tim để cảm nhận đám đông đó. Thế nên, những tác phẩm của chị sâu sắc mà lại gần gũi, thân thuộc.

Cuốn sách "Bay qua những giấc mơ" của Lê Thanh Chung
Đó là những câu chuyện tưởng chừng như chúng ta đã từng gặp ra, xảy ra ở nơi ngõ phố nhà mình, nơi khu nhà chung cư. Cách kể chuyện thật hiền nhưng lại rất có hậu khiến  người đọc nhận ra được sự ngọt ngào mang tính nhân văn như Lạt mềm, Chanel 5, Lá nghiêng, Vườn Tượng, Tình Thư… Những câu chuyện đi kèm chi tiết mà kết quả của nó đòi hỏi sự đồng cảm của người đọc. Phải trăn trở, phải trải đời mới có thể bâng khuâng, nhắm mắt lại mà hỏi rằng: “Hạnh phúc, ngươi ở đâu?”
Hạnh phúc đến với những nhân vật của Thành Chung thật xa vời. Mãi nhìn theo bóng hình hư ảo để rồi như đuổi bắt cánh diều trên không trung. Hạnh phúc ở đâu mà để người ta phải mãi kiếm tìm? Có lẽ nào, ở trong những giấc mơ, ta mới nắm bắt được nó. Và rồi, ta sẽ bay lên, bay đến tận chân trời; ta sẽ được chắp cánh để với tới thứ hạnh phúc đầy hư ảo ấy.
Ước mơ hạnh phúc chẳng bao giờ giản đơn
Đọc truyện ngắn của Thanh Chung cũng giống như nhấm nháp một món ăn mang hương vị thôn dã. Đó là bữa cơm quê với rau lang luộc chấm nước tương cà, đó là miếng khoai luộc tần tảo cả một mùa kiếm cơm. Đó là bầu trời mây trắng trong vắt nơi người qua đường nghỉ chân. Đó là thành phố hoa lệ xứ người nhưng ta vẫn đau đáu nhớ về bữa cơm rau…
Truyện của Thanh Chung, có lẽ chẳng hợp với tuổi trẻ mơ mộng đầy sức sống. Đó là thế giới của những người từng trải và luôn ngẫm nghĩ về những chuyện đã trải qua. Những tình yêu chỉ còn trong hồi ức, nó cứ gặm nhấm ta từng tháng, từng ngày; để đến khi nhận ra mới giật mình hoảng hốt, ta chẳng thể quay ngược lại thời gian.
Những câu “Giá như” cứ lặp lại, như nỗi đau quặn lên từng cơn. Người ta nhìn ra những khía cạnh khác nhau, những con người khác nhau mà sao vẫn thấy thật gần gũi và dễ hiểu.
Nhà văn Kao Sơn nhận xét ở những trang đầu tập truyện ngắn rằng: “Muốn tránh né nỗi sợ thì cách tốt nhất là đối đầu với nó. Và Thanh Chung – người đàn bà ấy đang làm vậy. Chị khơi mào nỗi đau của mình ra, mổ xẻ nó, dùng dao cứa vào nó nhiều nhát rồi đem ra phơi dưới ánh sáng mặt trời. Nỗi đau khi đạt đến cực điểm hình như sẽ chẳng còn đau nữa”.
Thanh Chung tâm sự: “Tôi không phải là nhà văn nên thật khó để có thể đem đến cho bạn những áng văn lộng lẫy hay những câu chuyện có cao trào thắt mở. Nghề nghiệp cho tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ những con người và những nền văn hóa khác nhau; chứng kiến những con người mà ranh giới giữa rủi – may, tốt – xấu, hạnh phúc – khổ đau mỏng tang như sương khói. Tôi chỉ viết như một nhu cầu tự thân. Viết để tin rằng, đâu đó dù còn nhiều vô cảm, tội ác nhưng lòng tốt của con người vẫn lấp lánh pha lê”.

                     Tác giả Lê Thanh Chung ký tặng độc giả
Nỗi đau giữ lại thì càng đau, nhưng sẻ chia ra thì sẽ vợi đi bớt. Thanh Chung vẫn đang mỉm cười với cuộc sống và tin tưởng vào lòng nhân ái con người như thế. Mỗi chuyến thiện nguyện, mỗi một manh áo lại mang cho người không tự nhận là nhà văn này thêm sự vững tin vào một ngày mai tươi sáng. “Bay cùng giấc mơ” là tác phẩm mà Thanh Chung viết để “cúi xuống một lần gieo hạt thiện tương lai”./.



THANH CHUNG BAY QUA GIẤC MƠ


Phan Chí Thắng

Mấy năm rồi, tôi luôn thích thú chờ đợi những bài viết mà sau này Thanh Chung tập hợp để in trong "Bay qua giấc mơ" khi chúng còn là những entries của blog "Gửi hương cho gió" trên vnweblogs.com.

Đôi khi trên một vài câu chuyện chị chua thêm dòng chữ "Coi như truyện ngắn" - như ngầm nhắc chị không phải nhà văn, xin đừng ai bắt bẻ. Chi tiết nhỏ này nói lên tính nghịch ngợm pha đôi chút ngang tàng của một “Hồ Xuân Hương - Thanh Chung”.

Trải nghiệm và suy ngẫm qua giọng điệu dí dỏm, hoạt kê ở những chi tiết buồn đau nhất, Thanh Chung còn cho chúng ta thấy chị có cái nhìn sắc sảo của người vượt qua nhiều nỗi đau đủ cho dăm bảy đời người. Lối viết khúc chiết, câu từ chặt chẽ của người giỏi nhiều ngoại ngữ, truyện của chị ngắn, không rườm rà phù phiếm, mang đậm phong cách của văn chuơng mạng - văn chương thời a còng: đủ và nói ít hiểu nhiều.

Chính lối viết hấp dẫn, nhiều cảm xúc khiến người đọc đến với chị. Những câu chuyện rủ rỉ thì thầm giống như nhật ký của chị đã giữ bạn đọc ở lại, bắt họ cùng chị trăn trở với câu hỏi muôn thủa của đời người: "Hạnh phúc, ngươi ở đâu?"

Cầm trong tay cuốn "Bay qua giấc mơ", cuốn sách nhỏ và nhẹ, nhưng đọc xong mới thấy nó không hề nhẹ: nặng trĩu tâm tư của một người phụ nữ có tài, giỏi giang trong công việc, tử tế và vị tha trong khát vọng yêu và được yêu …

Tất cả đã lý giải vì sao tác giả lại đặt tên tập sách của mình là Bay qua giấc mơ.

Con người luôn chắp cánh ước mơ. Uớc mơ là động lực cho sự tồn tại. Tội nghiệp thay những kẻ không có ước mơ. Thán phục thay những người ước mơ táo bạo. Và kính trọng vô cùng những ai đã buộc phải và bay vượt qua giấc mơ cá nhân của mình để đến với giấc mơ cao cả hơn.

Những câu chuyện của Thanh Chung luôn xoay quanh những mối tình giang dở, ngang trái. Đó là những mối tình buồn nhưng rất đẹp, bởi nổi bật lên trên tất cả là sự tử tế, lòng bao dung, không thù hận của các nhân vật ngay với những kẻ làm cho mình đau đớn, lấy mất đi hạnh phúc của riêng mình.

Tôi cho rằng chính việc vượt lên trên sự tầm thường, trên cái "Thường tình nữ nhi" ấy đã làm nên giá trị của tập sách. Lòng vị tha của một người phụ nữ năng động, đầy cá tính đã rất thuyết phục và lôi cuốn người đọc.

Nhà văn phải là người đứng trong đám đông, nhưng lại có cái nhìn sâu sắc và nhạy bén vượt lên trên thói thường của đám đông. Khi đó con tim nhà văn đập cùng một nhịp với đám đông, khối óc nhà văn nghĩ và viết ra những điều rất chung, rất điển hình của đám đông. Chị không nhận mình là nhà văn, nhưng theo tiêu chuẩn đó, tôi coi Thanh Chung rất gần một nhà văn.

Thanh Chung bay qua giấc mơ của cá nhân mình. Chị bay qua không giống như những lần chị bay qua đại dương, bay qua núi cao để đến nơi khác. Chị bay qua nhưng không bỏ lại giấc mơ ở phía sau mà để đến với giấc mơ mới. Đó là giấc mơ đến với những số phận phận bất hạnh, những người bằng cách này hay cách khác, đang bị Thượng đế bắt phải chịu cảnh trái ngang như đã từng làm với chị. Lượng sức mình, với tình yêu học trò của người đã làm nghề giáo, chị bay đến với trẻ em đói nghèo ở những địa điểm nghèo đói trong nước. Chị lập blog Vì ta cần nhau và nhóm Vì ta cần nhau để thu hút bạn bè cùng mình tìm mọi cách giúp học sinh vùng sâu vùng xa trong tâm thế chúng ta cần nhau chứ không phải tư cách của kẻ làm ơn làm phúc.

Xin chúc mừng Thanh Chung đã vượt qua giấc mơ nhỏ để đến với giấc mơ lớn.

Chúc mừng Thanh Chung đã có cuốn sách in riêng đầu tay.

Tôi xin tặng Thanh Chung mấy câu văn vần:

Em ngạo nghễ cười lên nỗi đau
Rồi mạnh mẽ bay qua số phận
Trong bất hạnh tìm ra may mắn
Được yêu thương các trẻ em nghèo
Xin hy vọng cuốn sách tiếp theo
Em sẽ đặt tên là "Hạnh phúc"!


Vài hình ảnh ở buổi họp mặt "Bay qua giấc mơ"

PHAN THIẾT CÓ BẠN TÔI

Thanh Chung

Phan Thiết có bạn tôi
Lâm Cúc ở rừng – Kim Oanh ở biển
Thân nhau như chị em ruột thịt
Hoài Vân và tôi thành "tứ cô nương"

Phan Thiết có bạn tôi
Chiều lãng đãng qua chùa
Thắp hương cầu Phật
Bật cười nghe sư thầy hát
“Em ơi trái đất vẫn tròn…”

Phan Thiết có bạn tôi
Bãi biển đêm bỗng sáng rực đèn trời
Bập bùng ánh lửa
Chú rể – cô dâu nắm tay nhảy múa
Ì ầm cơn mưa

Phan Thiết có bạn tôi
Đêm chẳng thể dài hơn
Mặt trời tỉnh giấc
Tay nắm bàn tay
Âm thầm nước mắt
Thương nhau.

(Tháng 7 năm 2009)


Phan Thiết có nhà tôi




PHAN THIẾT CÓ NHÀ TÔI



Hoàng Kim
Phan Thiết có nhà tôi
Ra khỏi cửa rừng là nhà cửa biển
Tà Cú ngất cao, thong thả tượng Phật nằm
Đồi Trinh nữ nhũ hồng đắm say cảm mến

Phan Thiết có nhà tôi
Quên hết bụi trần
Lãng đãng tứ cô nương
Ngọt lịm một lời thách đối:
Chứa Chan, Chán Chưa, Chưa Chán.

Phan Thiết có nhà tôi
Vị tướng trỏ tay thề
Mũi Kê Gà mắt thần canh biển
Ai đi xa nhớ nước mắm mặn mòi

Phan Thiết có nhà tôi
Sau đồi cát kia là dinh Thầy Thím
Lánh chốn ồn ào, tìm nơi tĩnh vắng
Tin nhắn một chiều 
Im lặng và Nghe


Chùm ảnh của Hoài Vân




Điểm đến đầu tiên là Chùa núi Tà kú trên đường đến Phan Thiết. Điểm du lịch này rất tuyệt, đã và đang được nâng cấp và xây dựng thành một quần thể du lịch hấp dẫn. Với giá vé vào cửa chỉ 65,000 đồng, bạn có thể đi xe điện đến chân núi, rồi  sau đó đi cáp treo vượt qua 2 ngọn núi đến thăm chùa và tượng phật nằm giữa khu rừng nguyên sinh. 






Tượng Phật nằm dài 49 m nằm giữa rừng nguyên sinh trong khuôn viên
chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà kú thuộc Hàm Thuận Nam.


Ngọn đèn biển Kê Gà 100 m hơn trăm tuổi bằng đá cao nhất Việt Nam
Bãi tắm Mũi Né bên khu resort Canary



Đồi cát hồng Mũi Né





Suối tiên huyền thoại đẹp mê hồn, du khách lội bộ đến tận đầu nguồn.





Thác nước đầu nguồn suối tiên



Đồi cát bên suối Tiên nhìn từ đường bộ


Phan Thiết nổi tiếng với nước mắm ngon.
(Gửi được ba thùng ra thủ đô ăn dần.)


Tắm bùn và nước khoáng tại trung tâm bùn khoáng nóng Mũi Né.




Ghé thăm Mỏm đá chim Hàm Thuận Nam trên đường về Sài Gòn







Thăm chùa Cát với nhiều kỷ lục Việt Nam.


Đặc sản bánh căn, mồm mực hấp và nước thanh long ép
Phan Thiết do bạn tôi chỉ dẫn địa điểm và giới thiệu.

Hoài Vân Blog
http://hoaivan.vnweblogs.com/post/2466/250812

Đến với bài thơ hay


PHÍM CHIN

Hoa Huyen &Thanh Chung



THUNG DUNG: Chim khôn ăn trái nhãn lồng
Người ngoan nói chuyện lòng vòng cũng ngoan.
Chép lại cuộc ”Phím chiến”  giữa Hoa Huyền (HH)
với hai nàng Thanh Chung (TC) và Lâm Cúc (LC)


Trăng đáy hồ - trăng đáy ao
Ngẩn ngơ một gã họ Đào tên Hoa
Trêu chàng Cuội, tán Hằng Nga
Dọc ngang một cõi - trời già cũng thua.
TC
Rõ là miệng lưỡi chanh chua
Gặp ngay phải lão thích đùa nên vui
Tuổi tam hợp Hợi… khoái Mùi
Rủi may duyên số hên xui xá gì
HH
Gã này có họ chàng… si
Chanh chua tưởng khế sao kì thế anh?
Đèn vàng lại ngỡ đèn xanh
Trái mơ anh ngỡ… cam sành he he.
TC
Em như trái sấu, quả me
Phải lão to bè có lẽ vừa đôi
Sơ cua dẻo mép mềm môi
Để cho lắm kẻ đứng ngồi không yên
HH
Lão H này rõ lắm duyên
Xanh xanh cũng buộc, huyền huyền cũng vơ
Một tay khuấy đảo mấy bờ?
Phen này e phải cậy nhờ Liên Bang!
NLC
Chào LC ghé gia trang
Tham gia tác chiến… hai nàng một anh
Dẫu cho cam giấy, cam sành
Hoahuyen cũng quyết tung hoành tả tơi!
HH
Nghênh ngang khuấy nước chọc trời
Bến Đông cũng ghé, bến Đoài cũng thăm
Có sao còn muốn hái trăng
Được voi đòi cả chị Hằng Tiên Nga.
TC
Dại gì mặc áo cà sa
Chính chuyên chết cũng thành ma cà rồng
Giấu tờ hôn thú chơi ngông
Đèn xanh ai bật là ông ứ… ừ
HH
Kiếp này trót vụng đường…đua
Làm vua một cõi còn thua lão… liều
Xem ra còn khổ vì yêu
Vì trăng, vì gió, vì diều không dây
TC
Hỏi ai ghẹo gió vờn mây?
Mà không khốn đốn đêm ngày nghiêng siêu?
Càng đau khổ… lại càng iêu
Hoa thơm càng ngát quả liều càng ngon
HH
Tìm nhau xuống biển lên non
Trăng nay cuối tháng, anh còn… hàm nhai?
Vin cành trúc, bẻ cành mai
Có về phố Hiến nhắn ai về cùng (!)
TC
Chỉ e “cầu” đã lệch ”cung”
Rồi lại phải lùng mua gấp đi-văng(*)
Xa thì chín nhớ, mười mong
Gần nhãn đau lòng sao chẳng ngọt ngon?
HH
Trăng mười sáu bảo trăng non
Mồng tơi một thuở anh còn nhớ chăng?
Lỡ lời ước hẹn trăm năm
Thương nhau ta lộn về Bần - kiếp sau (!)
TC
Sẵn lòng vui vẻ làm… trâu?
Anh hầu cho đến bạc đầu mới thôi?
Kiếp này biết đã thiu ôi
Nhìn nhau thế cũng đã rồi phải không?
HH
hehehe

Hoahuyen***

Hoang Kim
Chim khôn ăn trái nhãn lồng
Người ngoan nói chuyện lòng vòng cũng ngoan



LỘC XUÂN

 
Hoàng Kim. Bốn tác giả nữ Hoài Vân, Thanh Chung, Lâm Cúc, Kim Oanh vừa giới thiệu tập ký và tản văn "Tin nhắn cuối cùng". Đây là tập sách hay được công bố tiếp sau tập sách in chung  "Im lặng & Nghe" của 50 tác giả nữ . Buổi họp mặt giới thiệu sách thật trang trọng, vui vẻ, đầm ấm giữa những người bạn thân quen. Một số bạn tiếc chưa có mặt. Tôi ghi lại một số hình ảnh và dành chỗ bình văn. Trân trọng mời bạn.



Hoài Vân, Lâm Cúc ân cần đón bạn

 

"Tin nhắn một chiều"  có thêm Hồng Hà tham gia diễn xuất



và cô Mai Khoa (Thu Hà Nội) trong Chủ tịch đoàn



  

Gương Bá Nha Tử Kỳ, một số người bạn thân quen có mặt



 

Ký tặng sách thật thân tình và cảm động. Gia đình êm ấm, thầy quý bạn hiền, thiên nhiên an lành là quà tặng vô giá của cuộc sống. Đó là lộc xuân của cuộc đời



 

 


Lâm Cúc nhắn tin : "Ảnh Yên Từ anh chụp rất tuyệt nhưng ảnh Lộc xuân thì Hoài Vân chụp tuyệt hơn . hi hi... " Về nhà xem kỹ lại quả thật đúng như vậy. .Xin chép bổ sung thêm các hình ảnh ghi lại bầu không khí bạn hữu.
Hoàng Kim Blog
http://thovanhoangkim.blogspot.com/2012/09/tu-co-nuong-bay-qua-giac-mo.html

http://hoangkimlong.blogspot.com/2010/01/loc-xuan.html

Núi Tứ cô nương, dãy Alps châu Á

Khu vực Tứ cô nương có diện tích 450 km2, theo nhiều người dân Trung Quốc, dãy núi là hóa thân của bốn cô gái xinh đẹp và trong trắng. Đỉnh cao nhất ở đây nằm trên độ cao 6.250m, quanh năm phủ đầy tuyết và là đỉnh khó chinh phục nhất. Du khách có thể tới thăm ngọn núi thấp nhất, nằm trên độ cao 5.355m.

Vào mùa xuân và mùa hè, những thung lũng trong dãy núi trở nên tuyệt đẹp vì cây cối xanh tươi, suối chảy uốn lượn. Tới mùa đông, cảnh sắc ở đây phủ đầy một màu trắng của tuyết và mây. Những đám mây lớn bao phủ trên bốn đỉnh núi khiến du khách cảm giác như mình đang đi giữa một biển mây bồng bềnh.

Mời các bạn ngắm biển mây trên dãy Tứ cô nương, ảnh trên China.org.cn:

Linh Phạm (Nguồn: Báo Mới. com)



Trở về trang chính

TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
(Hoàng Kim để tôi đọc lại)
DẠY VÀ HỌC
(trang tình yêu, văn hóa giáo dục,
khoa học cây trồng và du lịch Việt)
HỌC MỖI NGÀY 

(Những bài tuyển chọn về văn hóa giáo dục
lịch sử, thơ văn)
DẠY VÀ HỌC Ở ĐHNL HCM

QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI



Hoàng Kim


Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.

Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.

Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.