1.12.11

Ta hẹn em uống rượu ngắm trăng



Hoàng Kim


Thân tặng Lâm Cúc

Ta hẹn em uống rượu ngắm trăng
Mấy khi đời có một người tri kỷ?
Nâng chén nhé!
Trăng vàng như giọt lệ
Buồn ư em?
Trăng vằng vặc trên đầu!

Ta nhớ Anh ta xưa mưa nắng dãi dầu
Khi biệt thế gian chọn trăng làm bạn
“Trăng tán trời mưa, trăng quầng trời hạn”
Dâu bể cuộc đời đâu chỉ trăm năm?

Mười lăm trăng qủa thật tròn
Anh hùng thời vận hãy còn gian nan
Đêm trăng nhát cuốc xới vàng
Trăng dòm, ta hẹn, trăng càng dòm thêm
Đất vàng, vàng ánh trăng đêm
Đêm khuya, ta với nàng quên nhọc nhằn (1)

Ta mời em uống rượu ngắm trăng
Mấy khi đời có một người tri kỷ?
Nâng chén nhé!
Trăng vàng như giọt lệ
Vui ư em?
Trăng lồng lộng trên đầu!

Ta nhớ Bạn ta vào tận vùng sâu
Để kiếm tìm ta, người thanh xứ núi
Cởi bỏ cân đai xênh xang áo mũ
Rượu đế, thưởng trăng, chân đất, đũa tre.

Hoa mận chờ trăng nhạt bóng đêm
Trăng lên vời vợi vẫn êm đềm
Trăng qua vườn mận, trăng thêm sáng
Mận đón trăng về, hoa trắng thêm

Ta cùng em uống rượu ngắm trăng
Ta có một tình yêu lặng lẽ
Hãy uống đi em!
Mặc đời dâu bể.
Trăng khuyết lại tròn
Mấy kẻ tri âm?

Trăng sáng lung linh, trăng sáng quá!
Đất trời lồng lộng một màu trăng
Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm
Trăng vẫn là trăng, trăng vẫn rằm

Hoàng Kim

1) Hoàng Ngọc Dộ. Cuốc đất đêm
(Trăng rằm: ảnh Hoài Vân)


Đọc thêm:

KHÔNG HẸN HÒ ĐỜI HÓA HOANG VU

Nguyễn Lâm Cúc

Hôm nay buồn lại bày tiệc gọi trăng
Lại mời rượu
Lại bưng sông ra uống
Đặt lên mâm những quả tình nẫu chín
Hái từ vườn ấp ủ trăm năm

Nào,
Cạn ly nhé trăng!
Chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc
Mây bạc đầu còn lang thang như hành khách
Dưới vòm trời nơi nao chẳng cô đơn?

Chốn ồn ào chắc gì đã vui luôn?
Nói nhiều, cười nhiều. Mấy câu là thật
Đâu hay gì khi khoe sầu chất ngất
Nhưng ít ra đó là nỗi lòng ta

Nào,
Nghiêng sông, rót nữa trăng ha!
Muôn thuở tràn trên chén đầy dâu bể
Trăng ơi!
Ta có một tình yêu lặng lẽ
Không hẹn hò đời hóa hoang vu.

ĐÃI TRĂNG

Nguyễn Lâm Cúc

Hôm nay nhàn ta mở tiệc mời trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống
Bày lên mâm là dạt dào cảm hứng
Bạn tri âm, bạn có vui cùng?

Này trăng, trăng chớ ngại ngần
Cạn ly nhé. Sông có vơi cũng mặc.
Say thì say nhưng đừng khóc!
Trần gian…cứ mặc kệ trần gian.


HÁT VU VƠ

Nguyễn Lâm Cúc

Trần gian một chuyến rong chơi
Thấy trăng giữa chợ, đông người vỗ tay
Mua vui một cuộc rõ hài
Gọi trăng, trăng khẽ chau mày rồi thôi...

Gõ sênh, vỗ phách, tôi cười
Nghêu ngao cất giọng hát lời bốn phương

Đó đường, đây đường, kia đường
Mà sao phải cứ đoạn trường bước đi
Buốt làm sao câu trở về
Có bằng ngồi tạm vĩa hè...mà chơi

Tình ơi! Nghĩa ơi! Thương ơi!
Bao lần ngoảnh lại gọi người khản khô
Tưởng sông rồi lại tưởng đò
Những lất phất ấy...chỉ bờ lau thưa

QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI



Hoàng Kim


Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.

Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.

Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.