1.3.09
Thơ của cụ Thanh Nam
Cụ Thanh Nam tên thật là Hoàng Văn Phùng, sinh năm 1929, ngụ tại Hạ Lang, Quảng Phú, Thừa Thiên Huế. Nhà Cụ ven sông Hương gần Cồn Hến. Cụ nay đã tám mươi xuân nhưng vẫn quắc thước, sảng khoái và có trí nhớ thơ lạ lùng. Cụ giỏi thơ Đường với các vần thơ tổ ấm đời thường thật lắng đọng và sâu sắc. Gặp Cụ, tôi bất giác nhớ đến ông tôi Minh Sơn Hoàng Bá Chuân (1892-1974) là em ruột bà ngoại tôi, quê ở Minh Lệ, Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông tôi cũng sành thơ, có bài thơ họa với Bác Hồ và có nhiều thơ, văn, phú, câu đối in trên các báo, tạp chí. Sự giao hòa của hai dòng sông thơ ca là nơi hội tụ của bến mới.
Tôi chép vội ở cụ những bài thơ hay không nỡ quên. Thơ Đường luật đã Việt hóa là một trong những mạch thiêng di sản văn hóa dân tộc rất cần sự bảo tồn. Điều đó càng cấp thiết hơn khi những “nghệ nhân chữ nghĩa” ngày càng một luống tuổi. Lớp trẻ hiện nay cuốn theo sự tỉnh táo thực dụng sẽ đến lúc bừng tỉnh trước những thăng hoa tinh tế, quý giá mà cha ông gửi lại trong đời sống tinh thần.
Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của Cụ Thanh Nam: Tổ ấm; Tết tha hương; Kỷ niệm sinh nhật Bác; Mơ ước thành hiện thực. Cụ cũng đã đọc vui theo trí nhớ bài thơ Vô đề của vua Tự Đức. Thơ hay tự tỏa sáng . Trong dòng chảy của các sự kiện, xin lưu giữ những kỷ niệm về trang thơ của Cụ cho lớp trẻ mai sau.
TỔ ẤM
Đeo đuổi yêu thương gặp vợ hiền
Ba trai bốn gái bảy con nên
Con dâu hiếu thảo tề gia giỏi
Nội ngoại sum vầy phước lộc duyên
Con một cháu bầy hằng nguyện ước
Âm phò dương trợ sống bình yên
Hạ Lang Quảng Phú Thừa Thiên Huế
Phái bốn họ Hoàng gốc tổ tiên.
Thanh Nam
TẾT THA HƯƠNG
Khai bút lưu niên tuổi thất tuần
Tha hương cô quạnh lắm gian truân
Quê người lưu lạc không màng Tết
Đất khách lang thang chẳng đón Xuân
Nhìn lại trời Âu tâm ái mộ
Trông về đất Á dạ bâng khuâng
Thương con nhớ vợ lòng xao xuyến
Sung sướng gì đâu Tết với Xuân.
Thanh Nam
MƠ ƯỚC THÀNH HIỆN THỰC
Mơ ước thiếu thời thành hiện thực
Tân khoa thi đỗ rạng thanh danh
Kĩ sư bác sĩ niềm vui lớn
Bá hiển tường vinh ước nguyện thành.
Thanh Nam
KỶ NIỆM SINH NHẬT BÁC
Ơn Bác quốc dân nhớ dạt dào
Mừng sinh nhật Bác quyết tâm cao
Thi đua lao động lập thành tích
Tiết kiệm tăng năng vốn tự hào
Di chúc thiêng liêng lời Bác dạy
Khuôn vàng thước ngọc ánh trời sao
Hằng năm kỷ niệm ngày sinh Bác
Cả nước dấy lên tựa thuở nào.
Thanh Nam
VÔ ĐỀ
Ngất ngất ngơ ngơ cũng nực cười
Cằm cằm cục cục mấy hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
Tự Đức
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI
Hoàng Kim
Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.
Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.
Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.
Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.
Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.
Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.
“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.
Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.
Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.
Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét