18.8.08
Nguyễn Du viếng mộ Liễu Hạ Huệ
Hoàng Kim
Có những việc khó quên, khi ta được trò chuyện với bạn tâm tình, lục tìm sách báo để tra cứu và chợt ngộ ra điều bổ ích. Tôi đã học sâu thêm bài Liễu Hạ Huệ của cụ Nguyễn Du; đã dò kỹ lại từ điển danh nhân của hai vị này và góp sức trên Wikipedia http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Du, http://vi.wikipedia.org/wiki/Liễu_Hạ_Huệ; Đó là mối nhân duyên tình cờ và sự khuyến khích của các bạn quý đã đưa ra chủ đề thảo luận về hành vi ứng xử của Liễu Hạ Huệ với câu hỏi nhân vật này có thực không? (http://blog.360.yahoo.com/blogc61443wyerK_bYQ3Hzg_4O1cqn4-?cq=1&p=83). Khi đọc đi, đọc lại nhiều lần bài thơ ‘Liễu Hạ Huệ mộ’ của cụ Nguyễn Du, tôi chợt sững người, nhận thức thêm được những nỗi niềm, của cụ Nguyễn lấp lánh sau những con chữ ...
柳下惠墓
吳店橋通泗水波
士師名蹟未消磨
事人直道寧三黜
作聖全功在一和
相對尼山長有魯
可憐盜跖已無家
碑殘字沒埋荒草
天古聞風一下車
Liễu Hạ Huệ mộ
Ngô Điếm kiều thông Tứ thủy ba
Sĩ Sư danh tích vị tiêu ma
Sự nhân trực đạo ninh tam truất
Tác thánh toàn công tại nhất hòa
Tương đối Ni Sơn trường hữu Lỗ
Khả liên Đạo Chích dĩ vô gia
Bi tàn tự một mai hoang thảo
Thiên cổ văn phong nhất há xa
Mộ Liễu Hạ Huệ (Dịch nghĩa)
Dưới cầu Ngô Điếm sông Tứ chảy
Tiếng tăm của bậc Sĩ sư vẫn chưa mất
Lấy đạo ngay thẳng thờ người, ba lần chịu mất chức
Nên công bậc thánh ở chữ "Hòa"
Đối mặt Ni Sơn, nước Lỗ còn mãi mãi
Thương cho Đạo Chích kẻ không nhà
Bia tàn chữ mất chôn vùi nơi cỏ hoang
Nghìn năm còn nghe tiếng, tôi xuống xe
( Viếng mộ Liễu Hạ Huệ
(Đặng Thế Kiệt Dịch thơ))
Sông Tứ dưới cầu Ngô Điếm qua
Danh thơm kẻ sĩ chửa phôi pha
Đạo ngay xử thế ba lần truất
Bậc thánh nên công một đức Hòa
Đối mặt Ni Sơn vinh nước tổ
Thương thân Đạo Chích hổ danh nhà
Bia tàn chữ mất vùi gai góc
Nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe
Để hiểu sâu được bài thơ trên, chúng ta cần đối chiếu cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn với thân thế và hoàn cảnh của Liễu Hạ Huệ, nắm vững những địa danh và điển cố văn chương trong bài thơ. Bởi lẽ nếu không hiểu họ là ai, họ có những nét tương đồng nào thì không thể cắt nghĩa được vì sao cụ Nguyễn Du lại đồng cảm và kính trọng Liễu Hạ Huệ sâu sắc như thế “bia tàn chữ mất vùi gai góc/ nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe”.
NGUYỄN DU CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Từ điển Bách khoa mở Wikipedia đã tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du như sau: “Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Tác phẩm lớn nhất của ông là tập Truyện Kiều dài 3.254 câu, một tập truyện thơ nôm viết theo thể lục bát với ý nghĩa thăng trầm, từ ngữ giai điệu phong phú mà hầu hết người Việt Nam đều biết tới. Ngoài ra, những tập Bắc hành tạp lục, Thanh hiên thi tập, Văn tế thập loại chúng sinh của ông cũng rất nổi tiếng. Ông được xem như là một nhà thơ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.
Ông sinh ngày 03 tháng 01 năm 1766 tức ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), nhưng sinh ra ở quê mẹ- làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [1] và trải qua thời thơ ấu ở Thăng Long. Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt: cha là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 người con). Anh khác mẹ (con bà chính) của ông là Toản Quận Công Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều. Do là con thứ bảy nên Nguyễn Du còn được gọi là cậu Chiêu Bảy. Năm 1771, ông cùng gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm chuyển về ở làng Tiên Điền. Năm 1775, lúc 10 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha. Năm 1778, lúc mười ba tuổi mồ côi mẹ, ông phải ra Thăng Long ở với anh cả là Nguyễn Khản. Năm 1780, Nguyễn Du trở về làng Tiên Điền ở với người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành. Năm 1783, Nguyễn Du thi hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam trường. Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa, mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyên, kế chân người cha nuôi của ông vừa mới từ trần. Năm 1789, Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân nhà Thanh. Nguyễn Du, vì tư tưởng trung quân phong kiến, không chịu ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Từ năm 1789 đến năm 1795, ông sống ở Thái Bình- quê vợ. Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng. Từ 1797 đến năm 1802: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền. Khi Nguyễn Phúc Ánh lật đổ nhà Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, rồi mời Nguyễn Du ra làm quan; ông từ mãi mà không được nên miễn cưỡng tuân mệnh. Năm Gia Long nguyên niên (1802),ông làm tri huyện huyện Phù Dực (nay thuộc Tỉnh Thái Bình), rồi được ít lâu thăng tri phủ Thường Tín (Hà Đông). Năm 1805, ông được thăng Đông Các điện đại học sĩ, tước Du Đức Hầu. Năm 1809, ông làm cai bạ tỉnh Quảng Bình. Năm 1813, thăng Cần Chánh điện đại học sĩ, được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì..." Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời. Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì.
"Tác phẩm tiêu biểu của ông, ngoài kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng “mà hầu như người Việt Nam nào cũng nhớ cũng thuộc một đôi câu”, Nguyễn Du còn để lại Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; Thác lời trai Phường Nón (bằng chữ Nôm) Ba tập thơ chữ Hán điển hình là Thanh Hiên thi tập (viết khi làm quan dưới triều Nguyễn), Nam Trung tạp ngâm (viết khi làm quan ở Quảng Bình) Bắc hành tạp lục (viết khi đi sứ Trung Quốc). Một số bài thơ khác: Cảm Hứng Trong Tù, Đầu Sông Chơi Dạo, Đứng Trên Cầu Hoàng Mai Buổi Chiều, Đêm Đậu Thuyền Cửa Sông Tam Giang, Đêm Rằm Tháng Giêng Ở Quỳnh Côi, Lưu Biệt Anh Nguyễn, Mộ Đỗ Thiếu Lăng Ở Lôi Dương, Miếu Thờ Mã Phục Ba Ở Giáp Thành, Ngày Thu Gởi Hứng, Nói Hàn Tín Luyện Quân, Người Hát Rong Phủ Vĩnh Bình, Ngồi Một Mình Trong Thủy Các, Ngựa Bỏ Bên Thành, Ngày Xuân Chợt Hứng, Long Thành Cẩm Giả Ca, Tranh Biệt Cùng Giả Nghị, Qua Sông Hoài Nhớ Thừa Tướng Văn, Xúc Cảm Đình Ven Sông, Viếng Người Con Hát Thành La …”
LIỄU HẠ HUỆ: THÂN THẾ VÀ HOÀN CẢNH
Thi Viện của Đào Trung Kiên và Từ điển Wikipedia chép :Liễu Hạ Huệ (sinh 720 TCN, mất 621 TCN) tức Triển Cầm 展禽, tên Hoạch 獲, tự là Quý 季, người đất Liễu Hạ 柳下, nước Lỗ 魯, thời Xuân Thu 春秋, nổi tiếng là một chính nhân quân tử. Liễu Hạ Huệ làm Sĩ Sư, ba lần bị truất mà không bỏ nước. Có người hỏi, ông trả lời: "Lấy đạo ngay mà thờ người thì đi đâu mà không bị ba lần truất. Nếu lấy đạo cong thì hà tất phải bỏ nước của cha mẹ". Sau khi chết, được đặt tên thụy là Huệ 惠. Mạnh Tử khen ông là bậc thánh về Hòa (Thánh chi Hòa 聖之和).
Sách Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long , hồi thứ ba mươi chín “Triễn Hỉ vấn kế cùng Liễu Hạ Huệ” tóm tắt như sau:
“Trong lúc này, Tề Hiến Công vẫn có ý nối chí cha, nuôi mộng bá chủ chư hầu. Một hôm hỏi các quan đại phu: Tiên quân ta là Tề Hoàn Công lúc nào cũng lo đánh đông dẹp bắc, gây thế lực cho mình, chư hầu kính nể. Nay đến đời ta, chẳng lẽ cứ nằm im, trong khi các chư hầu mỗi ngày một mạnh? Ta còn nhớ năm trước vua Lỗ định giúp Vô Khuy chống cự với ta, hận ấy chưa trả. Nay Lỗ lại liên kết với Vệ và Sở, thế rất mạnh, nếu không trừ trước ắt sanh hậu họa. Vừa rồi , ta nghe nói nước Lỗ mất mùa, ta muốn thừa cơ đánh Lỗ, ý các ngươi thế nào? Quan thượng khanh Cao Lỗ nói: Nước Lỗ được nhiều nước giúp, ta đánh khó thắng nổi. Tề Hiến Công nói: Nếu ngồi nhà mà luận chưa chắc đã đúng. Cứ đem quân đến đánh thử một trận xem các nước chư hầu có ai giúp Lỗ chăng? Nói xong, cử binh kéo sang miền bắc nước Lỗ.
Quân thám thính về báo, Lỗ Hi Công nói: Nước ta đang lúc mất mùa, quân Tề lại kéo sang, vậy thì nên đánh hay hòa? Quan đại thần Tang Tôn Thần nói: Xin chúa công nhẫn nhục cho người đến giảng hòa với Tề, nếu không xong sẽ tính. Lỗ Hi Công hỏi: Hiện nay ai có thể lãnh trọng trách đó? Tang Tôn Thần nói: Tôi xin tiến cử Triển Hoạch, con quan Tư Không đời trước, làm quan Sĩ Sư, được phong ở đất Liễu Hạ. Người ấy nho nhã, thông minh lắm, chỉ vì chán ghét thói đời nên từ quan về sống cảnh an cư. Nay được người ấy đi chắc vua Tề phải kính trọng. Lỗ Hi Công nói: Tôi vẫn nghe tiếng người ấy, song hiện nay người ấy ở đâu? Tang Tôn Thần nói: Hiện nay nơi Liễu Hạ. Lỗ Hi Công liền cho người đến triệu Triển Hoạch, Triển Hoạch cáo bệnh không đến. Lỗ Hi Công hỏi Triển Hoạch cáo bệnh, bây giờ phải làm sao? Tang Tôn Thần nói: Triễn Hoạch còn có người em là Triển Hỉ dẫu quan chức nhỏ nhưng có tài ứng đối rất hay. Nay sai Triển Hỉ đến nhà Triển Hoạch hỏi xem dùng cách gì để ứng đối với vua Tề.
Lỗ Hi Công theo lời, sai Triển Hỉ đến Liễu Hạ. Triển Hỉ theo lệnh đến nơi vào yết kiến Triển Hoạch, thuật lại ý muốn của Lỗ Hi Công và sứ mệnh của mình. Triển Hoạch nói: Vua Tề sang đánh ta là ý muốn noi công nghiệp của Tề Hoàn Công ngày trước, nhưng không biết muốn làm bá chủ phải tôn phù Thiên tử nhà Chu. Nay ta đem di mệnh của Tiên vương ngày xưa mà trách vua Tề thì thiếu gì cách nói. Triển Hỉ trở về nói với Lỗ Hi Công: Tôi đã hỏi được cách ứng đối với vua Tề rồi.
Lỗ Hi Công liền phát lễ vật sai Triển Hỉ đến thương thuyết với vua Tề (…). Triển Hỉ nói với vua Tề: Chúa công tôi nghe xa giá nhà vua sang địa giới nước tôi nên sai tôi đến đây để tiến dâng lễ vật. Tề Hiến Công hỏi: Người Lỗ nghe ta đem quân sang đánh có sợ chăng? Triển Hỉ đáp: Có những bọn tiểu nhân thì sợ thật nhưng những người quân tử thì không chút gì sợ hãi. Tề Hiến Công nói: Hiện nay nước ngươi không có ai mưu trí như Thi Bá, cũng không có ai vũ dũng bằng Tào Tuệ, ngoài đồng lại bị mất mùa, cây cỏ vàng úa . Thế thì cậy vào đâu mà không sợ hãi? Triển Hỉ nói: Nước tôi không cậy tài cũng không cậy của, chỉ cậy có một điều là di mệnh của Tiên vương mà thôi. Tiên vương nhà Chu ta ngày xưa phong Thái công nơi đất Tề, phong Bá nơi nước Lỗ, khiến hai nước uống huyết ăn thề: “Con cháu sau này đời đời cùng giúp nhà Chu, không làm hại lẫn nhau”. Lời thề ấy còn chép trong sử sách hai nước. Trước kia Tề Hoàn Công lên làm bá chủ cũng vì hội chư hầu nơi đất Kha để giúp Thiên tử, nay hiền hầu bỏ đường lối ấy mà dùng vũ lực uy hiếp các nước chư hầu, trái với lời thề của Tiên vương, làm sao nên được? Tôi dám chắc hiền hầu không bao giờ làm trái đạo. Bởi vậy, nước tôi không sợ hãi. Tề. Hiến Công nghe nói nghĩ thầm, rồi bảo Triển Hỉ: Ngươi về nói lại với Lỗ hầu, ta xin cùng nước Lỗ giảng hòa. Nói xong truyền lui binh về nước
"BẮC HÀNH TẠP LỤC" VÀ "LIỄU HẠ HUỆ MỘ"
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm và Thanh Hiên thi tập. Thi Viện http://www.thivien.net/ đến nay đã thu thập được 226 bài trong đó “Bắc hành tạp lục” có 132 bài, Nam Trung tạp ngâm 16 bài và Thanh Hiên thi tập 78 bài. Lời thơ điêu luyện, theo cách nói của Mai Quốc Liên thì: "Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa".
“Liễu Hạ Huệ mộ” là một tuyệt phẩm của Nguyễn Du trong “Bắc hành tạp lục”. Năm Gia Long thứ mười một 1813, Nguyễn Du được thăng chức Cần Chánh điện đại học sĩ và được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc từ khoảng giữa năm 1813 đến gần cuối năm 1814. Trên hành trình muôn dặm của một sứ thần, Nguyễn Du đã đến nước Lỗ (tỉnh Sơn Đông ngày nay) nơi có ngọn núi Thái Sơn hùng vĩ, đất thiêng khởi phát của nhà Chu và tộc Hán, nơi quê hương và an nghỉ của Khổng Tử (Trọng Ni) với lời cảm khái của Tư Mã Thiên “ Kinh Thi nói: Núi cao ta trông , đường rộng ta đi, Tuy đích chưa đến nhưng lòng hướng về̀. Tôi đọc sách của họ Khổng, tưởng tượng như thấy người. Đến khi đến Lỗ, xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe cộ, nào áo, nào đồ tế lễ, hộc trò tập về nghi lễ ở nhà Khổng tử theo đúng từng mùa, tôi bồi hồi nán lại, bỏ đi không dứt. Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử đến vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy!”.
Nguyễn Du tìm đến viếng mộ Liễu Hạ Huệ, người Sĩ Sư ba lần bị biếm chức. Liễu Hạ Huệ có người em trai là kẻ trộm (Đạo Chích) với bia miệng người đời “chó nhà Đạo Chích sủa vua Nghiêu”. Ông cũng có người em trai là Triển Hỷ “chỉ làm một chức quan nhỏ”. Việc Vua Lỗ triệu kiến ông đi làm sứ thần, ông đã cáo ốm không đến nhưng kế sách châu ngọc của ông qua sự vấn kế của Triển Hỷ thì đã tránh cho dân chúng được cái thảm họa chiến tranh. Nguyễn Du đến thăm mộ Liễu Hạ Huệ nơi “bia tàn chữ mất vùi gai góc/ nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe” càng cho thấy nhân cách kẻ sĩ và sự cảm thông của ông đối với Liễu Hạ Huê sâu sắc đến dường nào.
Thực ra, những người hiền thì đời nào cũng có. Thời thế nhiễu loạn, chẳng qua vàng lầm trong cát đấy thôi. Nguyễn Du là con quan tướng quốc Nguyễn Nhiễm cựu thần nhà Lê và mẹ ông là người phụ nữ tài sắc, vợ lẽ nhà quan, gặp lúc thế nước động loạn, chúa Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có ý riêng. Ông lớn lên trong cảnh lận đận không nhà, có tài mà không thể cậy. Ông là một đại sĩ phu tài năng trác tuyệt nhưng chỉ làm một viên quan thường triều Nguyễn mà vua vừa dùng vừa tìm cách kiềm chế như đối với Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Chú. Ông vì giỏi nên được vua Nguyễn cử đi sứ Tàu mà thôi. Thơ Nguyễn Du vì vậy kín đáo và sâu sắc hiếm thấy.
Bài thơ thật cô đọng, tài tình và tuyệt hay Cầu Ngô Điểm, sông Tứ, núi Ni , ba lần truất, thánh chi hòa "Đối mặt Ni Sơn, nước Lỗ còn mãi, thương cho Đạo Chích kẻ không nhà" Mỗi câu thơ là những cụm từ chìa khóa với tình ý mênh mang. Viếng mộ Liễu Hạ Huệ, viết Truyện Kiều là Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự và sự trăn trở của người sỉ phu trí thức thời loạn như thân phận nàng Kiều và Liễu Hạ Huệ vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI
Hoàng Kim
Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành. Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.
Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.
Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://blogtiengviet.net/DAYVAHOC), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.
Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.
Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.
Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.
“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.
Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.
Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.
Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét